Trong “Đề án: Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, có một chuyên đề đề cập đến vấn đề: Phát hành - Phổ biến - Quảng bá phim Việt Nam với mục tiêu tăng doanh thu phim Việt cân bằng với phim ngoại trong tương lai. Nhưng liệu có lạc quan không khi điện ảnh Việt còn bao nhiêu khiếm khuyết chưa khắc phục?
Đấu trường phim Việt - phim ngoại không cân xứng
Thực tế, theo thống kê của Cục Điện ảnh, phim Việt hiện tại doanh thu trong 1 năm chỉ xấp xỉ từ 5 - 7 triệu USD (từ 100 - 150 tỉ đồngVN), một con số lẻ quá khiêm nhường và ít ỏi so với tổng doanh thu phim chiếu ở VN (phần lớn là phim ngoại nhập), năm 2012 là 47 triệu USD và dự kiến năm 2013 là 57 triệu USD. Một năm mà số phim nhập hơn 100 phim như hiện tại và không ngừng tăng thêm trong từng năm, so với số phim Việt ra rạp trên dưới 10 phim thì doanh thu gần như thuộc về phim ngoại là chuyện không cần bàn luận. Phim Việt hiện tại gần như chỉ có 2 “mùa” là phim Tết và phim hè, một năm không quá 10 phim ra rạp và không phải tháng nào trong năm cũng có phim Việt. Chưa kể trong số phim ra rạp, rất ít phim tạo nên cơn sốt vé, doanh thu đạt được mức bù lỗ hay có lợi nhuận, hay trụ lại rạp lâu để có doanh thu “khủng”, không kể có phim chỉ tạm “lưu trú” tại rạp vài ngày vì vé bán ra cho một suất chiếu có khi chỉ được 5 vé.
Cũng khó có thể đòi hỏi phim Việt ra rạp nhiều hơn khi số lượng phim sản xuất trong năm quá ít, có thể xếp vào hạng thấp nhất Đông Nam Á. Khi số phim sản xuất ít, việc cạnh tranh với phim ngoại nhập để ra rạp như “trứng chọi đá”, làm sao thắng được. Không kể phim Việt tầm 1 triệu USD đã là “bom tấn”, cũng hình ảnh 3D nhưng với rất ít kỹ xảo ấn tượng thị giác, trong khi phim ngoại “bét” cũng cả chục triệu USD với nhiều kỹ xảo đẹp mắt hấp dẫn, còn hàng “bom tấn” của họ thì VN không thể mơ bởi sự hoành tráng, lộng lẫy và ứng dụng nhiều kỹ thuật công nghệ cao trong làm kỹ xảo hình ảnh. Đấu với phim ngoại xem như chưa đấu đã bại.
Một bài toán không khó để thấy giải pháp muốn “đấu” hay giành rạp để có phim chiếu quanh năm thì phim Việt phải chứng tỏ bản lĩnh của mình. Số lượng phim sản xuất trong năm phải tăng ít nhất bằng nửa số phim nhập, có như thế mới có thể đạt mục tiêu 40% phim Việt chiếu rạp vào năm 2020 như trong đề án đưa ra. Không chỉ có thế mà chất lượng phim cũng phải hấp dẫn, thu hút công chúng đến rạp như với phim ngoại. Mà muốn tăng số lượng, chất lượng phim Việt lại là bài toán “bất khả thi” trong hiện tại bởi có quá nhiều vần đề nan giải cho một nền điện ảnh Việt muốn trở thành một ngành công nghệ giải trí chuyên nghiệp thật sự.
![]() Phim Mỹ nhân kế giữ kỷ lục “ăn khách” nhất tại rạp. |
Lãng phí tiềm năng thị trường phim Việt
Trong một chuyên đề của “Đề án: Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đề cập đến vấn đề: Phát hành - Phổ biến - Quảng bá phim VN. Nhìn lại khâu này, thấy điện ảnh Việt đang lãng phí một thị trường phim rộng lớn. Hơn 60 tỉnh thành, nhưng chỉ hơn 10 tỉnh thành là có các rạp chiếu thường xuyên “sáng đèn”, hơn 60% dân số ở hơn 50 tỉnh thành khác thì việc xem phim gần như là một thú giải trí xa xỉ, không thường xuyên. Việc điều tiết để cân bằng thị trường phim Việt xem như không có, ở thành phố lớn, phim Việt ít có cơ hội chen chân ra rạp, trong khi ở tỉnh thành xa, chỉ cần có phim Việt để chiếu thì lại không có. Việc này có lẽ nhà làm phim tư nhân “nhanh” hơn các nhà quản lý nhà nước, họ thấy rõ tiềm năng và không bỏ qua, đơn cử như mùa phim Tết 2013, phim Nhà có 5 nàng tiên đã được nhà sản xuất “nhân bản” đúng nghĩa, mang phát hành ở khắp 50 tỉnh thành, thu về khoản lợi nhuận “khủng” hơn 60 tỉ đồng VN, một con số kỷ lục doanh thu mà gần như ít phim Việt nào vượt qua. Theo thống kê mới nhất của ngành phát hành phim thì Nhà nước hiện tại quản lý 72 rạp, gồm 104 phòng chiếu với 26.279 ghế ngồi. Với số lượng rạp chiếu không phải ít, rất nhiều rạp còn được nằm ở vị trí trung tâm thành phố lớn, nhưng lại không có nguồn phim, chưa kể hệ thống rạp chiếu phim nhà nước tại một số tỉnh thành hầu như tê liệt, không cụm rạp nào phát triển được. Lý ra, ở mặt nào đó, hệ thống rạp do Nhà nước quản lý phải là nơi ưu tiên cho phim Việt, nhưng với cơ sở vật chất như thế, ai còn muốn vào rạp xem? Mà như thế là một sự lãng phí lớn để dành cơ hội cho phim Việt ra rạp, góp phần làm doanh thu phim Việt giảm đáng kể.
Thời đại kỹ thuật số đã mở ra. Việc phát hành phim điện ảnh không còn chỉ dựa vào một hình thức truyền thống nữa. Đó là một xu hướng toàn thế giới. Phim không chỉ chiếu rạp mà còn được in sang vào đĩa DVD cho hệ thống phim giải trí gia đình. Phim còn được chiếu trên truyền hình vệ tinh, trên các kênh truyền hình trực tuyến, trên các kênh phân phối khác dựa trên internet. Điện ảnh Việt Nam bỏ qua xu thế này thì sẽ còn tụt hậu và gây lãng phí lớn công sức của nghệ sĩ và tiền của Nhà nước.
Nên chăng phim Việt hãy chịu khó về “ vùng sâu vùng xa”, đến với các tỉnh thành nhiều hơn, để “góp gió thành bão”, tăng doanh thu? Nên chăng không cần phải xây thêm quá nhiều rạp mới tránh lãng phí, mà các cụm rạp do Nhà nước quản lý, nên có một cuộc “tân trang”, đổi mới, cải tạo những cơ sở đang có cho phù hợp với xu hướng thưởng thức phim của công chúng, và ưu tiên cho phim Việt, góp phần tăng doanh thu? Nên chăng phim Việt không chỉ ở rạp mà có ở các hệ thống truyền thông nghe- nhìn khác để tăng thêm doanh thu?
Kỹ thuật và PR - Giải pháp hữu hiệu?
Theo như lời của bà Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan thì đến năm 2014 điện ảnh thế giới không dùng phim 35mm, và được số hóa hoàn toàn, các LHP quốc tế cũng không nhận phim nhựa 35mm. Ngay như phim nhập vào VN hiện tại đều được số hóa, hay phim 2D, 3D và 4D, đòi hỏi các phòng chiếu cũng phải “cập nhật” hóa công nghệ. Nhưng phần lớn các rạp chiếu ở VN vẫn trang bị máy chiếu phim nhựa 35mm mà nếu để chiếu cùng lúc nhiều rạp thì việc in sang phim rất tốn kém và mất công, làm giảm đi lợi nhuận phim. Ngoài việc rạp chiếu phải đổi mới thiết bị phòng chiếu, thì các nhà sản xuất phim Việt phải đổi mới công nghệ kỹ thuật làm phim, đưa phim thống nhất theo “chuẩn” của thế giới là “số hóa” phim, để dễ dàng in sao nhiều bản, có thể phát hành dưới nhiều dạng như truyền hình cáp, truyền hình số, các thiết bị liên kết internet, và nhất là có thể đưa đi đến nhiều tỉnh thành trong cả nước chiếu phim, phim Việt còn cơ hội tiếp cận với thị trường phim nước ngoài.
Riêng khâu PR cho phim, phim tư nhân làm rất tốt. Việc PR, quảng bá cho phim do Nhà nước sản xuất gần như bị bỏ lơi nhiều năm nay. Phim do Nhà nước sản xuất ít được đón nhận, trước hết là do tâm lý của người xem đã bão hòa với những bộ phim làm theo một cách thức mòn cũ, tròn trịa, dùng trong lễ lạt kỷ niệm...
Ngành điện ảnh VN thật sự rất cần một sự chung tay không phân biệt tư nhân - Nhà nước để có một cuộc đổi mới tổng lực, mới có thể nghĩ đến chuyện đạt được những mục tiêu đề ra như trong dự thảo “Đề án Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Minh Châu