Bao giờ "cơn ác mộng" COVID-19 mới kết thúc?

09-08-2021 15:48 | Quốc tế
google news

SKĐS - Người dân trên thế giới chưa kịp vui mừng sau nhiều tháng xuất hiện những tín hiệu đáng khích lệ về dịch bệnh thì sự gia tăng mạnh mẽ của số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu từ tháng 7 vừa qua đã làm lu mờ đi mọi hy vọng.

Bao giờ "cơn ác mộng" COVID-19 mới kết thúc? - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 bao giờ mới kết thúc?

 Không có định nghĩa về kết thúc đại dịch

Nhà nghiên cứu Rachael Piltch-Loeb thuộc Chương trình Nghiên cứu, Đánh giá & Thực hành Chuẩn bị Khẩn cấp của Trường Y tế cộng đồng Harvard T.H Chan (Mỹ) cho biết: "Ngay cả trong giới khoa học, bạn cũng sẽ nhận được những câu trả lời thực sự khác nhau. Thực sự không có một định nghĩa nào về sự kết thúc của đại dịch".

Việc tuyên bố "sự kết thúc của đại dịch" có thể là một mục tiêu xa vời, bởi virus SARS-COV-2 sẽ không biến mất cho đến khi con người kiểm soát hoặc hạn chế được nó trên phạm vi toàn cầu. 

Việc một số quốc gia dỡ bỏ hoặc nới lỏng những biện pháp hạn chế khiến nhiều người không nhận thức được thực tế dịch bệnh vẫn còn vô cùng ảm đảm trên toàn thế giới.

Bao giờ "cơn ác mộng" COVID-19 mới kết thúc? - Ảnh 2.

Các hạn chế xã hội được nới lỏng nhưng niềm vui đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Trên thực tế, chỉ mới tháng 5 vừa qua thôi, các trường hợp mắc COVID-19 giảm trên khắp nước Mỹ, các khu vực của Châu Âu và Trung Đông khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, các hạn chế xã hội được nới lỏng, làn sóng mở cửa kinh doanh trở lại…. Nhưng niềm vui đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. 

Đến tháng 7, các biến thể coronavirus có khả năng lây truyền cao càn quét nhiều nơi trên thế giới, buộc các quan chức y tế phải đưa ra lại các khuyến nghị  về việc đeo khẩu trang và kêu gọi tăng cường tiêm chủng.

Giống như các loại virus khác, có khả năng virus SARS-COV-2 sẽ tiếp tục đột biến và hệ thống miễn dịch của con người cuối cùng sẽ thích nghi để chống lại nó mà không cần tiêm phòng. Tuy nhiên, để đến được thời điểm đó, phải trả giá bằng việc rất nhiều người bị mắc bệnh và tử vong.

"Phát triển khả năng miễn dịch theo cách khó khăn đó không phải là một giải pháp mà chúng ta mong muốn" – Nhà dịch tễ học Saad Omer – Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale (Mỹ) phân tích. Việc tìm ra cách làm chậm sự lây lan của dịch bệnh và kiểm soát được những tác động tiêu cực của nó là con đường an toàn hơn.

"Tiến hai bước, lùi một bước" trước đại dịch COVID-19

Theo các chuyên gia y tế, vaccine có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc chống lại dịch bệnh. Hiện các vaccine COVID-19 đang được sử dụng được đánh giá có độ an toàn và hiệu quả cao, đồng nghĩa với việc nếu tiêm chủng cho đủ số người có thể chấm dứt đại dịch nhanh hơn và với tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các bệnh nhiễm trùng tự nhiên.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh nhiều lần rằng mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho ít nhất 10% dân số mọi quốc gia vào tháng 9 tới, tiêm chủng cho 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, tính tới nay, mới có 28% dân số toàn cầu được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, trong khi phân phối vaccine trên toàn cầu vẫn mất cân bằng nghiêm trọng.

Trong khi đó, với nhiều cơ hội lây lan và đột biến hơn, virus SARS-COV-2 đã phát triển các biến thể mới không chỉ dễ lây lan hơn mà còn dễ lẩn tránh hơn. Delta hiện là biến thể có sự lây lan nhanh chóng nhất, trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy biến thể Lambda có thể kháng một số loại vaccine COVID-19. 

Bao giờ "cơn ác mộng" COVID-19 mới kết thúc? - Ảnh 4.

Vaccine có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc chống lại dịch bệnh.

Ông Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ) nhận định: "Sự phức tạp của việc chống lại một loại virus đột biến nhanh chóng " có nghĩa là đôi khi chúng ta tiến được hai bước song bị lùi một bước".

Nếu người dân muốn đại dịch chấm dứt trước khi cơ quan chức năng tuyên bố và trở lại cuộc sống bình thường, chúng ta sẽ phải hứng chịu một hậu quả nghiêm trọng: đó là nhiều người chết vì dịch bệnh. Đó là điều đã xảy ra với các đại dịch trước đây. 

Nhà khoa học Jagpreet Chhatwal thuộc Viện Đánh giá Công nghệ thuộc bệnh viện đa khoa Massachusetts, (Mỹ) nói: "Chỉ khi nào chúng ta có thể giảm ca tử vong vì dịch bệnh xuống một mức thấp nào đó và trở lại cuộc sống bình thường, lúc đó mới có thể nói đại dịch đã kết thúc".

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm

Trong phòng cấp cứu bệnh nhân nặng Bệnh viện Dã chiến số 10


Hà Anh (Theo National Geographic)
Ý kiến của bạn