Điều hòa sau một thời gian dài hoạt động, sẽ có những hao mòn nhất định. Vì vậy trước mỗi mùa sử dụng cao điểm, chúng nên được bảo dưỡng để đảm bảo công suất hoạt động và tránh hao phí điện năng trong quá trình sử dụng.
GS.TS Nguyễn Đức Lơi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh chia sẻ cách bảo dưỡng điều hòa đơn giản, gia tăng tuổi thọ cho máy.
Thời điểm bảo dưỡng điều hòa
Thói quen đến mùa nóng mới vệ sinh điều hòa là sai lầm phổ biến của nhiều người dùng. Bảo dưỡng điều hòa, thời gian tốt nhất là cách vài tuần trước khi chính thức bước vào mùa hè.
Điều hòa chạy thời gian dài sẽ có nhiều bụi bẩn bám bên trong lưới lọc và dàn lạnh, dàn nóng. Nếu không bảo dưỡng tại nhà, điều hòa sẽ là nơi lưu trú của vi khuẩn gây hại, dẫn đến các bệnh về tai mũi họng cho thành viên trong gia đình. Điều hòa không được bảo dưỡng định kỳ sẽ suy giảm khả năng làm lạnh, làm hao tốn điện năng, bụi bẩn nhiều dẫn đến giảm tuổi thọ của máy.
Nếu người dùng không có kế hoạch bảo dưỡng vệ sinh điều hòa định kỳ, thì chỉ sau - 2 năm chạy liên tục, điều hòa dễ bị hư hỏng và chi phí sửa điều hòa hay thay điều hòa mới lớn hơn gấp nhiều lần chi phí bảo dưỡng.
Để chiếc điều hòa hoạt động hiệu quả, người dùng nên bảo dưỡng điều hòa định kỳ 1 lần/năm cho điều hòa một chiều. Với điều hòa 2 chiều, thời gian bảo dưỡng lý tưởng là 2 lần/năm do chạy cả chiều lạnh và nóng.
Tự vệ sinh điều hòa tại nhà
Việc duy trì ổn định nhiệt độ tốt nhất của điều hòa phụ thuộc rất nhiều vào độ thông thoáng, sạch sẽ của cả dàn nóng và dàn lạnh. Vì vậy, để đảm bảo điều hòa có thể cung cấp đủ không khí lạnh, cần thường xuyên làm thông thoáng dàn nóng và dàn lạnh không để bụi bẩn bám vào.
Để đảm bảo an toàn, tắt hết nguồn điện cung cấp cho điều hòa, tiến hành kiểm tra cục nóng và lạnh bên trong/ ngoài nhà để đảm bảo không có vật cản nào bên trong máy (bọ hoặc côn trùng chết…). Kiểm tra dây nối điện không bị nối và chạm chập
Vệ sinh lưới lọc bụi cho cả dàn nóng và lạnh theo các bước tháo mở trong sách hướng dẫn. Đôi khi điều hòa hoạt động kém hiệu quả cũng có thể bắt nguồn từ các lưới lọc bụi bị bít kín. Tháo lớp vỏ dàn lạnh, sẽ bắt gặp ngay hệ thống lưới lọc bụi, bạn dễ dàng gỡ lớp màng này ra, rũ sạch và có thể giặt phơi khô do được làm bằng nhựa hoặc loại sợi đặc biệt nên có thể chịu được nước và xà phòng.
Đối với các loại điều hòa mới sẽ không gặp phải tình trạng này. Nhưng các loại điều hòa nhiệt độ đã cũ (sử dụng được khoảng 2 năm) mà không được vệ sinh, bảo dưỡng cẩn thận sẽ rất bẩn. Mảng bám, bụi bẩn, mạng nhện sẽ tạo ra một lớp bám dính. Nếu tình trạng này xảy ra ở lưới lọc của dàn lạnh sẽ khiến điều hòa không thể thổi hơi lạnh ra phòng. Còn ở dàn nóng dễ dẫn đến tình trạng tắc, không thông thoáng cho dàn nóng tỏa nhiệt khi điều hòa hoạt động.
Trong đó, bộ lọc khí là thành phần thiết yếu của mỗi điều hòa không khí loại bỏ bụi và các mảnh vụn từ không khí trước khi thổi vào nhà của bạn. Hầu hết các bộ lọc không khí cần phải được làm sạch hoặc thay thế hàng tháng, mặc dù một số bộ lọc hiệu suất cao có thể kéo dài lâu hơn. Bộ lọc không khí bẩn có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của máy và dẫn đến các vấn đề như đóng băng.
Nếu điều hòa không khí của bạn có một bộ lọc tái sử dụng, hãy vệ sinh bộ lọc dưới vòi nước lạnh và để khô hoàn toàn trước khi lắp trở lại. Nếu cẩn thận, hãy thay thế lọc khí theo đúng yêu cầu từ nhà sản xuất để đảm bảo hoạt động của máy.
Màng lọc bị bụi bẩn có thể khả năng lọc không khí của điều hòa bị suy yếu đi rất nhiều và gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của gia đình. Do đó, bạn nên thường xuyên vệ sinh màng lọc để giúp điều hòa nhiệt độ có thể lọc các loại bụi bẩn, vi khuẩn trong không khí.
Với dàn nóng bên ngoài cũng cần được vệ sinh định kỳ, làm sạch quạt và lốc máy là hệ thống lưới bảo vệ, tránh những vật cản không mong muốn, làm giảm công suất của máy. Việc vệ sinh dàn nóng của điều hòa nên được thực hiện bởi thợ sửa chữa chuyên nghiệp. Không nên tự ý tháo dỡ, kiểm tra cũng như lắp đặt dàn nóng để tránh những rủi ro đáng tiếc. Dàn nóng dù lắp ở đâu cũng cần có dây tiếp đất để đảm bảo an toàn lưới điện. Tránh để trẻ em lại gần khi giàn đang hoạt động.
Cuối cùng đóng aptomat nguồn, bật máy chạy thử. Nếu phát hiện có tiếng động lạ thì cần ngắt điện để tìm rõ nguyên nhân. Nếu không thể tự giải quyết, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của thợ kỹ thuật có chuyên môn.
Tiết kiệm năng lượng khi sử dụng điều hòa
Máy điều hòa gia dụng được sử dụng rất phổ biến trong các gia đình cơ quan. Nguyên lý làm việc của máy điều hòa cũng như các thiết bị làm lạnh sẽ bao gồm dàn ngưng (dàn nóng), dàn lạnh (dàn bay hơi), máy nén sử dụng điện và thiết bị tiết lưu để giảm nhiệt độ của môi chất (ga lạnh). Lượng điện tiêu thụ trong máy điều hòa tương đối lớn, công suất điện của động cơ máy nén thông thường tiêu hao trên 1KW, tùy thuộc năng suất lạnh của máy.
Khi chọn mua máy điều hòa phải chọn năng suất lạnh phù hợp với diện tích của phòng, cũng không nên lớn quá và cũng không nên bé quá. Con số cụ thể nên chọn ý kiến của các chuyên gia.
Trên thị trường có rất nhiều hãng khác nhau, khi mua máy điều hòa nên chọn các hãng có uy tín và tất nhiên có thể giá thành cao hơn. Thực tế hiện nay trên thị trường có một số loại máy điều hòa giá rất thấp so với các hãng có uy tín có cùng năng suất lạnh. Chắc chắn các loại máy này sẽ tiêu hao điện nhiều hơn so với các máy của các hãng có uy tín.
Điều hòa gia dụng là thiết bị bắt buộc phải dán nhãn sao năng lượng. Bộ Công thương đã quy định có 5 cấp sao năng lượng:từ 1 đến 5 sao. Nhãn năng lượng dán trên bề mặt của dàn lạnh, nên chọn máy càng nhiều sao thì càng tiết kiệm năng lượng.
Hiện nay các hãng đã sản xuất máy điều hòa dạng biến tần. Nhìn chung, máy điều hòa biến tần tiết kiệm điện đáng kể tuy giá thành có cao hơn một chút. Với những gia đình sử dụng điều hòa tương đối thường xuyên thì nên chọn mua máy biến tần, vì việc tiết kiệm điện sẽ bù lại cho việc đầu tư cho loại máy có giá cao hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 2/3: Trung Tướng Tô Ân Xô “Kiên Quyết Kỷ Luật Cán Bộ Gây Khó Khăn, Sách Nhiễu Cho Dân” | SKĐS