Đây là phòng thí nghiệm do Quỹ Fleming tài trợ 2 triệu bảng Anh. Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mang lại chất lượng xét nghiệm tốt nhất, phục vụ hoạt động khám chữa các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới tại VN, trong bối cảnh VN đang đứng trước thách thức lớn về vấn đề kháng thuốc kháng sinh và sử dụng kháng sinh chưa hợp lý.
Phòng xét nghiệm tham chiếu về kháng kháng sinh được đặt tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung Ương cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội); được xây dựng với sự tài trợ của quỹ Fleming Fund và sự hỗ trợ của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford (OUCRU). Đây là một phần trong Hệ thống các phòng xét nghiệm (với quy mô rộng gần 3500m2) đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hệ thống này bao gồm các phòng xét nghiệm về hóa sinh, miễn dịch, huyết học truyền máu, vi sinh, ký sinh trùng, nấm, HIV, lao, sinh học phân tử.
Phòng Xét nghiệm tham chiếu về kháng kháng sinh tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương khai trương sẽ có các chức năng và nhiệm vụ khẳng định kết quả nuôi cấy, phân lập, định danh và làm kháng sinh đồ. Xác định các đặc điểm kiểu hình và kiểu gen liên quan tới tính kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn phân lập từ các phòng xét nghiệm Vi sinh của các bệnh viện.
Điều phối hoạt động ngoại kiểm về định danh và kháng sinh đồ của vi khuẩn trong hệ thống các phòng xét nghiệm. Đào tạo, chuẩn hóa kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về nuôi cấy, phân lập, định danh và làm kháng sinh đồ theo hướng dẫn quốc gia và quốc tế. Phát triển các phương pháp chẩn đoán căn nguyên gây bệnh và tính chất kháng bằng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mớitrong một số trường hợp đặc biệt.
Thu thập, phân tích và báo cáo số liệu về kháng kháng sinh, các trường hợp kháng mới và đề kháng đặc biệt để kịp thời ứng phó với tình trạng kháng kháng sinh đang là mối đe dọa trong và ngoài nước. Báo cáo định kỳ cho Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để có chiến lược phòng chống kháng thuốc ở tầm quốc gia và khu vực cũng như trên thế giới. Thực hiện chương trình giám sát kháng kháng sinh theo chương trình giám sát kháng kháng sinh toàn cầu (GLASS) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm phòng xét nghiệm tham chiếu về kháng kháng sinh.
Về vấn đề kháng kháng sinh, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%.
GS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc giai đoạn từ năm 2017-2020. Nhóm sẽ có nhiệm vụ tham gia phối hợp, đánh giá, báo cáo giám sát về kháng thuốc và đưa ra các giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp.