Báo động: Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch

25-04-2017 17:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS -Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim khiến cho hàng trăm ngàn người tử vong, liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm. Ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh.

Video TS. Trương Đình Bắc  - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trình bày tại Hội thảo

Đây là thông tin được TS. Trương Đình Bắc  - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về dự phòng, quản lý tăng huyết áp và bệnh tim mạch” do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội.

Theo TS. Trương Đình Bắc, tại Việt Nam hiện nay, các bệnh không lây nhiễm đang chiếm 66% gánh nặng bệnh tật, trong đó chủ yếu là do bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi mạn tính và đái tháo đường. Đặc biệt, số người mắc tăng huyết áp và bệnh tim mạch vẫn có xu hướng tăng cao do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ gây bệnh trong cộng đồng.

Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy: Trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị; đồng thời có tới 79% số người có nguy cơ tim mạch hiện không được tư vấn, quản lý dự phòng.

Hội thỏa có sự tham gia cua nhiều chuyên gia trong và ngoài nước

TS. Trương Đình Bắc cho hay, để góp phần giải quyết một cách hiệu quả những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực này, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 đã đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp quan trọng để dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng.

Bên cạnh giải pháp phòng chống các yếu tố nguy cơ phổ biến (như: thuốc lá, rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực), Chiến lược nhấn mạnh một giải pháp quan trọng đó là phát triển hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm và lồng ghép quản lý bệnh liên tục, lâu dài tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm: can thiệp thay đổi hành vi nguy cơ; dự phòng các tình trạng tiền bệnh và nguy cơ cao; phát hiện sớm, quản lý người có nguy cơ tim mạch, quản lý lồng ghép đối với các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là tăng huyết áp và đái tháo đường...

Việt Nam đang bắt đầu tăng cường triển khai các dịch vụ dự phòng, quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại trạm y tế xã và tại cộng đồng. Một số mô hình dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng cũng đã được thí điểm tại địa phương để tổng kết, đánh giá làm cơ sở nhân rộng...

PGS.TS Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, hoạt động sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp được triển khai trên nhiều xã, phường. Giai đoạn 2011-2015, hoạt động khám sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp được triển khai trên địa bàn 1.179 xã/phường trong toàn quốc.

Nhờ đó, hơn 2 triệu người từ 40 tuổi trở lên đã được khám sàng lọc (phát hiện tăng huyết áp trên 365.000 người mắc tăng huyết áp, trong đó có khoảng gần 182.000 người lần đầu tiên được phát hiện tăng huyết áp chiếm 49,8%). Bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện sau sàng lọc đều được tư vấn quản lý tại các cơ sở y tế.

Video: Các đại biểu chia sẻ chia sẻ kinh nghiệm về dự phòng, quản lý tăng huyết áp và bệnh tim mạch tại Hội thảo

Theo PGS.TS Đỗ Doãn Lợi: Để quản lý và điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung, thời gian tới Bộ Y tế cần xây dựng mạng lưới quản lý bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm ngoại trú từ trung ương đến địa phương và được bảo hiểm y tế cung cấp đủ danh mục thuốc, trang thiết bị thiết yếu để điều trị tại cơ sở. Đồng thời, Bộ Y tế cần hoàn chỉnh hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý từng bệnh không lây nhiễm; triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống yếu tố nguy cơ trong trường học để tạo thói quen tốt về lối sống sinh hoạt cho trẻ em từ khi còn học trong nhà trường...

Tại buổi hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chính như: Thực trạng phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam; gánh nặng bệnh tật của bệnh tim mạch, tăng huyết áp và giải pháp can thiệp tại Việt Nam; sáng kiến toàn cầu về bệnh tim mạch; các mô hình chăm sóc bệnh lý tim mạch...

Chia sẻ của những chuyên gia nước ngoài về kinh nghiệm về dự phòng, quản lý tăng huyết áp và bệnh tim mạch





Thanh Loan
Ý kiến của bạn