Hà Nội

Báo động về giáo dục giới tính ở tuổi mới lớn, từ câu chuyện của một nam sinh

22-05-2019 07:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Hằng ngày tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, gặp gỡ nhiều hoàn cảnh éo le nhưng lần này tôi gặp phải một câu chuyện buồn không có lối thoát, một hoàn cảnh éo le khiến tôi và cả bệnh nhân đều mang theo một nỗi buồn không nguôi, day dứt. Nỗi đau của người mẹ lại chồng chất nỗi đau, gần 10 năm làm cán bộ chuyên trách công tác tư vấn HIV đây là trường hợp đầu tiên tôi đau lòng như vậy.

Đất trời như sụp đổ dưới chân

Sáng ra trực, đang chuẩn bị về nhà sau 1 đêm khó ngủ, chuông điện thoại reo với 1 dãy số lạ. Alo đầu dây bên kia giọng một người phụ nữ “Em là Nhi phải không, dạ… ngập ngừng và e dè. Em ở đâu chị găp em được không”.

Tiếp hai mẹ con chị trong căn phòng nhỏ nơi làm việc, đối diện tôi là người phụ nữ vẫn còn trẻ, nhưng từ gương mặt cho tới cách ăn mặc hiện rỏ là người phụ nữ tần tảo, lam lũ đặc biệt là cặp mắt đỏ hoe và mọng nước. Bên cạnh cậu con trai là anh chàng thư sinh da trắng gương mặt sáng sủa ưa nhìn và vẩn mặc áo trắng học trò.

Chị rút ra tờ giấy kết quả xét nghiệm HIV của Bệnh Viện Chợ Rẫy và trong làn nước mắt chị kể về con về gia đình mình. Tháng trước con trai chị cậu học sinh đang học lớp 12 tình nguyện đăng kí đi hiến máu nhân đạo do Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Hội chữ thập đỏ Huyện tổ chức. Khi con cầm kết quả của Bệnh viện Chợ Rẫy gửi về chị không tin vào tờ kết quả đó, chị bảo chắc họ nhầm chứ người ta hiến máu nhiều lắm. Chị lại đưa con xuống Bệnh viện Chợ Rẫy xét nghiệm thêm lần nửa, khi cầm tờ kết quả trên tay chị bảo,“Em ơi đất trời như sụp đổ dưới chân chị, chị không bước nổi nữa”.

Giúp học sinh nhận biết những tác hại của ma túy và các đường lây truyền HIV/AIDS.

Hoàn cảnh đáng thương

Trong làn nước mắt chị bắt đầu kể về cuộc đời mình, chị là người dân tộc Nùng sinh năm 1976 từ ngoài miền Bắc vào Nam cùng gia đình làm kinh tế, gia đình lại đông anh chị em kinh tế lại khó khăn. Công việc chủ yếu của vợ chồng chị là làm nông, chị thêm buôn bán nhỏ ở chợ. Chị lấy chồng cũng được 20 năm nhưng lại lấy nhằm một người đàn ông nát rượu. Cứ uống rượu vào là đánh vợ đánh con nên hai đứa con là động lực là niềm tin vào cuộc sống để chị tiếp tục cuộc sống. Khi biết chuyện của con chị chỉ biết khóc một mình, con gái thứ hai thì còn quá bé để chia sẽ cùng mẹ. Cả đêm không ngủ chị ra rừng cao su khóc và gào thật to oán trách số phận của mình.

Chị kể: “Liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn mẹ chị bị ung thư phổi chết trên tay chị, rồi em gái bị bệnh tâm thần phân liệt chết trên tay chị, gần đây nhất là bố bị ung thư dạ dày cũng chết trên tay chị, giờ lại đến con chị như thế này thì làm sao chị sống nổi”.

Chị nói: “Từ khi biết con mắc căn bệnh này trong đầu chị chỉ có suy nghĩ pha thuốc cháy rồi hai mẹ con cùng uống, hay dắt con đi bỏ sứ rồi đợi nó chết, nhưng còn cô con gái đang học lớp 7 nếu chị chết nó cũng chết theo thôi”. Cậu học trò nhỏ ngồi cạnh mẹ chỉ biết cúi mặt xuống mân mê chìa khóa xe máy, có lẽ tâm trạng cậu hiện tại rất tồi tệ. Tôi bảo :“Thôi chị ra ngoài để em nói chuyện một mình với cháu”. Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện của mình:

-         Con sắp thi chưa?

-         Dạ, còn ít ngày nữa, con mới thi thử thôi.

-         Con có bạn gái chưa?

-         Dạ, có rồi.

-         Lâu chưa con?

-         Dạ mới từ tết.

-         Con với bạn có sử dụng chất gây nghiện gì không?

-         Dạ không.

-         Vậy đi qua giới hạn với bạn chưa.?

-         Dạ chưa.

Tôi vẫn tiếp tục hỏi vậy trước cô bạn này con có quen ai không? Và đi quá giới hạn với người đó không.? Cậu ta ngập ngừng dạ có, chỉ với chị H. thôi. Tôi thoáng nghĩ chà cậu này cũng ghê nhỉ, quen với người lớn hơn mình cơ. “Vậy giờ chị ấy đâu rồi?, dạ chị về thành phố làm rồi từ tết tới giờ con không gặp nữa”.

Tò mò của trẻ mới lớn

Tôi mở cửa mời chị vào phòng, giải thích cho chị biết về căn bệnh HIV và cách thức điều trị ARV trong thời gian tới tại TTYT Huyện Chân Thành. Cách chăm sóc người bị nhiễm HIV thời gian tới và khả năng lây nhiễm cũng như trong từng giai đoạn của cậu con và lợi ích khi tuân thủ điều trị ARV cho chị hiểu.

Bất chợt chị hỏi tôi “Vậy khả năng con trai chị lây bệnh lâu rồi hả em?” tôi trả lời “Khoảng từ 6 đến 9 tháng hoặc hơn và lúc trước bé có quen ai lớn tuổi hơn hả chị?”. Chị giật mình quay sang con trai “mày đừng nói là chị H. mày nha, trời ơi là trời!”, lúc đó cậu con không phản ứng chỉ biết cúi gằm mặt. Chị gục xuống bàn nghẹn ngào, đợi chị qua cơn xúc động tôi động viên chị bình tình nói rõ em nghe.

Chị kể cuối năm học lớp 11 cậu con đi học thêm tối về trễ, hôm đó bố nó uống rượu say nên đánh nó, đuổi đi. Xót con chị dầm mưa tìm con cả đêm khi tìm ra chị đưa con về nhà cháu ở ngoài chợ xã, cô này gọi vợ chồng chị là cậu mợ, tức là chị em con cô con cậu. Cô này lớn tuổi và đã bỏ chồng, kinh doanh quán cafe có cuộc sống rất thoáng, khi đưa con đến chị nói với cháu “Mày đùm bọc em cho mợ mấy hôm, đợi cậu hết giận thì mợ lên đón em về. Trời ơi em ơi ai ngờ nó giết con chị rồi!”- chị nghẹn lời.

Tôi hiểu con trai chị mới lớn, lại đang tuổi tò mò, khám phá nên cũng khó vượt qua cám dỗ, trong khi tiếp xúc hàng ngày với môi trường không lành mạnh điều tất yếu sẽ xảy ra. Nỗi đau của chị lại chồng chất nỗi đau, gần 10 năm làm cán bộ chuyên trách công tác tư vấn HIV đây là trường hợp đầu tiên tôi đau lòng như vậy.

Kết thúc buổi nói chuyện đầy nước mắt tôi chỉ biết động viên cậu học trò cùng mẹ, còn 2 tuần nữa con thi tốt nghiệp hãy cố gắng nhận thuốc điều trị đầy đủ và cố gắng thi qua đợt này. Tiễn 2 mẹ con chị về, bầu trời vào trưa nắng chói chang rực rỡ nhưng tôi biết tương lai của cậu học trò nhỏ kia bắt đầu kéo dài u ám.

HIV không phải là “án tử” với người mang virut
Các chuyên gia truyền nhiễm cho rằng, việc mắc HIV hiện nay không phải là án tử vì hơn 90% số người điều trị thuốc ARV đều có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, không có khả năng lây nhiễm.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết đối với bệnh nhân HIV được điều trị thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang đối tác, kể cả khi không dùng bao cao su hoặc bất cứ biện pháp an toàn nào.
Ở Việt Nam, 91,5% số người điều trị đều có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, tức không có khả năng lây nhiễm sang bạn tình khi quan hệ tình dục. “Nếu một người nhiễm HIV mà được điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị thì vẫn có thể sống khỏe mạnh và có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV. Việc điều trị ARV sẽ giúp giảm tải lượng virus HIV trong máu và có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho vợ hay bạn tình qua quan hệ tình dục”, ông Long nói.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khi dương tính với HIV, bệnh nhân vẫn có thể sống 5-10 năm nếu không được điều trị, còn khi được điều trị ARV, họ có thể sống đến cuối đời và ra đi vì các căn bệnh tuổi già chứ không phải do HIV.
Để phòng bệnh HIV, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể và dịch sinh dục là nguyên tắc chủ đạo trong dự phòng lây nhiễm HIV. Khi phải tiếp xúc với máu, dịch tiết hoặc dịch sinh dục, cần áp dụng các biện pháp dự phòng như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, sử dụng vật ngăn cách như kính bảo hộ, găng tay, áo choàng khi chăm sóc, ngâm tất cả các đồ dùng có dính máu, dịch cơ thể trong dung dịch nước sát trùng trước khi xử lý là các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV có hiệu quả.
Nếu đã nhiễm H, người bệnh cần chủ động hạn chế bớt một số hoạt động hoặc áp dụng các biện pháp phòng ngừa để không làm lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác. “Khi có quan hệ tình dục phải dùng bao cao su và đặc biệt không nên có con. Bạn nên đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe, tránh bị cảm cúm hay các bệnh thông thường khác có thể làm cơ thể suy yếu. định kỳ bạn nên đi khám sức khỏe, tham khảo ý kiến của bác sỹ để được chỉ dẫn một số loại thuốc, ví dụ AZT ( Zidovudine), DDI ( Didanosin), Lamivudine, Indinaviz có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của virus HIV”, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS khuyến nghị.


Thanh Nhi
Ý kiến của bạn