Hà Nội

Báo động về đạo đức kinh doanh!

16-09-2014 22:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Vụ bê bối dầu bẩn ở Đài Loan đã nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế khiến nhiều người khiếp sợ...

Vụ bê bối dầu bẩn ở Đài Loan đã nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế khiến nhiều người khiếp sợ, bởi hàng ngàn “lò dầu” này đã cung cấp nguyên liệu cho hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất ở những nước khác, hoặc nhập trực tiếp, hoặc mua thực phẩm được chế biến bằng loại dầu này. Những dị nghị về một số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng tiêu thụ dầu bẩn đã được chính các doanh nghiệp bác bỏ, tuy nhiên, đây cũng chính là hồi chuông báo động về sự xuống cấp của đạo đức kinh doanh.

Sẵn sàng hại người vì lợi nhuận

Dầu bẩn” hay còn gọi là dầu cặn bã (gutter oil), thuật ngữ này được người Trung Quốc và Đài Loan dùng để gọi loại dầu ăn được tái chế trái phép từ loại dầu thải của các nhà hàng, chất thải từ các lò giết mổ gia súc, những thiết bị lọc mỡ và thậm chí cả từ cống rãnh. Ước tính mỗi tấn dầu bẩn được mua với giá 859 - 937USD, sau khi tái chế lại có thể được bán với giá 1.560USD/tấn. Kỹ thuật sản xuất và các thiết bị tinh lọc tiên tiến khiến người mua khó mà phân biệt được dầu nào được sản xuất an toàn và dầu nào bắt nguồn từ chất thải.

Dầu bẩn, mỡ bẩn - sản phẩm của những kẻ kinh doanh vô đạo đức.

Dầu bẩn, mỡ bẩn - sản phẩm của những kẻ kinh doanh vô đạo đức.

Tập đoàn Chang Guann Group ở Cao Hùng nổi tiếng lâu nay ở Đài Loan chuyên cung ứng nguyên liệu thực phẩm thô bị phát hiện là một đầu mối phân phối dầu bẩn. Ngay ở Đài Loan, tập đoàn này cung cấp dầu ăn thường xuyên cho hàng trăm nhà sản xuất thực phẩm, trường học và nhà hàng tại 22 thành phố và hạt. Trong vụ bê bối mới này, cảnh sát phát hiện một xưởng tái chế dầu lậu ở quận Binh Dong đã bán 240 tấn dầu ăn tái chế từ rác và da gia súc cho Chang Guann.

Tập đoàn này cũng thừa nhận ngày 25/2/2014 họ đã mua 243 tấn dầu từ xưởng tái chế đó để tinh chế lại thành 782 tấn dầu ăn dán thương hiệu Chuan Tung bán ra thị trường.

Doanh nghiệp ở Việt Nam phủ nhận liên quan

Sau thông tin chính quyền Hồng Kông công bố những công ty nhập dầu ăn của Công ty Chang Guann, trong đó liên quan đến hai thương hiệu BreadTalk và Maxim’s (Maxim’s là đơn vị đã đưa chuỗi cà phê Starbucks nổi tiếng của Mỹ vào thị trường Việt Nam) đang có mặt ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp mua nhượng quyền thương hiệu BreadTalk là Công ty cổ phần Bình Minh Toàn Cầu. Hiện thương hiệu này có 9 cửa hàng ở TP.HCM, 1 cửa hàng ở Bình Dương, 1 cửa hàng ở Nha Trang. Đại diện BreadTalk Việt Nam cho biết: “Ở Việt Nam, BreadTalk mua dầu ăn sản xuất trong nước, cụ thể là Cái Lân và Hướng Dương Simply do nhà phân phối Tuấn Lộc cung cấp. Chúng tôi có hóa đơn, chứng từ chứng minh. Thương hiệu BreadTaik Việt Nam không liên quan đến BreadTalk Hồng Kông. Có chăng là cả hai đều mua nhượng quyền từ công ty mẹ ở Singapore mà thôi”. Đại diện BreadTalk Việt Nam cũng cho biết sản phẩm bánh bán ở cửa hàng đều được sản xuất trong nước và tuân thủ các tiêu chuẩn từ công ty mẹ ở Singapore quy định.

Đại diện của Starbucks cũng bác thông tin thương hiệu này liên quan đến dầu bẩn từ Đài Loan.

Cảnh báo không thừa

Trong dầu bẩn dễ có chất PAH - một chất ô nhiễm hữu cơ nguy hiểm có thể gây ung thư nếu sử dụng lâu dài. Nó cũng có thể chứa những chất aflatoxin sinh ung thư với nguy cơ cao vốn được sản sinh từ những loại nấm mốc.

Các chuyên gia về an toàn thực phẩm cho biết, việc tái chế dầu ăn đã qua sử dụng để chiên xào lần nữa, cho dù có qua những hệ thống xử lý hiện đại cũng đã là không chấp nhận được, chứ đừng nói tới những phương thức thô sơ như những kẻ kinh doanh dầu bẩn đã làm. Bởi những chất béo động vật và thực vật có trong dầu thải được tái chế sẽ có những phản ứng như hình thành mỡ ôi, ôxy hóa và phân hủy sau khi nhiễm vào cơ thể để sản sinh ra những chất độc hại như thạch tín. Nó sẽ khiến người sử dụng bị khó tiêu, mất ngủ, bất ổn ở gan và nhiều triệu chứng khác...

Tại Việt Nam, đến nay chưa phát hiện cơ sở nào chế biến dầu ăn từ nước, rác thải, song nhà chức trách cũng phanh phui không ít cơ sở chế biến dầu mỡ từ mỡ bẩn bèo nhèo gom về từ các chợ, các cửa hàng hoặc tái chế từ dầu ăn đã qua sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, nhiều người hẳn chưa quên vụ rượu pha cồn từ một xưởng sản xuất tại Long Biên (Hà Nội) làm chết nhiều người. Rồi vụ việc nem chua từ lòng, bì lợn ôi thiu vứt bừa bãi dưới nền đất bẩn ở Thanh Hóa. Và đặc biệt là hàng chục cơ sở sản xuất mỡ bẩn từ những lòng heo thối đã bị phát hiện, điển hình như vụ bắt giữ hơn 1 tấn mỡ nước cùng nhiều thực phẩm chế biến mỡ, tóp mỡ và bì lợn tại cơ sở chế xuất của bà Nguyễn Thị Nga, xóm Ngõ Lý, thôn Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng vừa qua.

Một lần nữa hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức kinh doanh cần được gióng lên mạnh mẽ, và song hành với đó phải là những biện pháp xử lý thật nghiêm để răn đe. Khi công nghệ phát triển hiện đại thì người ta càng khó kiểm định rằng sản phẩm đã qua những khâu chế biến ra sao, nguồn gốc từ đâu, thậm chí để phát hiện cũng cần có thời gian, phương tiện. Thiết nghĩ, việc thúc đẩy doanh nghiệp là rất có ý nghĩa, nhưng không phát triển bền vững mà chỉ đặt tiêu chí lợi nhuận lên đầu chính là xuất phát điểm lệch lạc của những kẻ vô đạo đức, chẳng sớm thì muộn cũng sụp đổ.

Hoàng Khanh

 


Ý kiến của bạn