ThS.BSCK.II Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, gần đây tình trạng trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi nhiễm HIV, bỏ thuốc điều trị, quan hệ tình dục không an toàn; tái khám không đúng hẹn rất cao gây khó khăn cho điều trị.
Bên cạnh đó, một số trẻ vị thành niên quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) bị lây bệnh truyền nhiễm HIV, trong đó có một trẻ học lớp 8 đã tử vong hồi giữa tháng 12 vừa qua.
Bác sĩ Quy cho hay, chương trình chăm sóc trẻ nhiễm HIV bắt đầu từ 2004, đến nay đã triển khai được 18 năm. Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện quản lý 437 trẻ nhiễm HIV, trong đó trẻ vị thành niên là hơn 300 ca. Mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận quản lý thêm 10-15 ca mới.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Quy, sau dịch COVID-19 tỷ lệ trẻ nhiễm HIV bỏ khám và tái khám trễ, không đúng hẹn tăng lên, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc. Theo khuyến cáo, người nhiễm HIV không nên uống trễ và không được bỏ thuốc dù chỉ 1 ngày, nếu có quên thuốc phải uống liền ngay sau đó.
Thực tế cho thấy, trẻ nhiễm HIV ở Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm trẻ nhiễm HIV lây truyền từ mẹ sang con, đến nay đã trưởng thành, lớn nhất là 28 tuổi. Đây là những trẻ phần lớn bố mẹ đã mất, ông bà và người thân không còn, phải tự kiếm nhà trọ mưu sinh cuộc sống.
"Có trẻ trong nhóm này bỏ thuốc 2-3 tháng, khi bác sĩ hỏi sao lâu không liên lạc được thì nói lý do phải dời chỗ trọ để đi kiếm sống, khi hết thuốc, bị nhiễm trùng mới trở lại viện. Và do không có công ăn việc làm nên để tồn tại, các em nữ phải phải đi làm "gái" bán dâm, làm việc ở những quán cà phê, tiệm tóc, còn các em nam lại "cặp" với những phụ nữ lớn tuổi. Và các em này khi quan hệ đều không dùng biện pháp bảo vệ", bác sĩ Quy cho biết.
Trước những tâm sự thầm kín của các em, bác sĩ Quy đã phải khuyên bảo, giáo dục những trẻ này không nên làm vậy vì sẽ lây truyền bệnh cho mọi người. "Những đứa trẻ đó bây giờ lớn rồi, vượt khỏi tầm tay kiểm soát của chúng tôi nên chúng tôi sợ các em sẽ lây truyền bệnh HIV ra xã hội", bác sĩ Quy lo lắng.
Nhóm thứ hai là trẻ vị thành niên (từ 11-13 tuổi) nhiễm HIV từ quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam và tiêm chích ma túy. Bác sĩ Quy cho biết, vừa rồi có 1 trẻ đang học lớp 8 ở TP.HCM, quan hệ tình dục đồng giới với các anh lớn hơn (lớp 10-11) và bị nhiễm HIV. Khi bị nhiễm, nhẽ ra phải tuân thủ điều trị nhưng em đó không uống thuốc kháng HIV (ARV) nên bị nhiễm trùng và đã tử vong hồi giữa tháng 12 vừa qua.
Được biết tình trạng trẻ nhiễm HIV bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo ThS.BS Vũ Thiên Ân, phòng khám OPC (phòng khám và điều trị ngoại trú), Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, từ sau dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ trầm cảm của bệnh nhi HIV tại đây tăng lên. Nhiều trẻ nhiễm HIV có tư tưởng bỏ uống thuốc, bỏ điều trị. Vì vậy, phòng khám đang tập hợp các trẻ vị thành niên, sinh hoạt nhóm để nhân viên xã hội tâm tình, tháo gỡ, giải đáp nhiều vấn đề riêng tư. Từ đó nhắc nhở, khuyến khích các bé uống thuốc trở lại đều đặn và sớm phát hiện các trường hợp bị trầm cảm để có phương án xử lý kịp thời.
Trước thực tế đáng báo động trên của những trẻ nhiễm HIV, các bác sĩ và nhân viên y tế, làm công tác xã hội ở bệnh viện rất lo âu, trăn trở. Theo bác sĩ Quy, khó khăn của những trẻ nhiễm HIV hiện giờ chủ yếu là mưu sinh bởi không có tiền thuê nhà trọ, không có tiền mua bảo hiểm và trang trải cuộc sống. Vậy nên theo bác sĩ Quy, cần phải giáo dục hướng nghiệp cho trẻ. Các nhân viên y tế, người trực tiêp quản lý trẻ cần chịu khó hỏi han, quan tâm, tiếp chuyện, giáo dục về sức khỏe sinh sản, về giới tính để có biện pháp bảo vệ trẻ an toàn, tránh lây các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV ra cộng đồng.
"Tỷ lệ trẻ HIV không còn người chăm sóc (bố mẹ đã mất) lên đến 40%. Tôi ấp ủ hướng nghiệp cho trẻ HIV, cho các em một cái nghề. Trong năm 2023, tôi dự định sẽ gặp các trẻ HIV định hướng giáo dục cho các em. Chúng ta phải cùng nhau làm điều tốt nhất cho trẻ nhiễm HIV", bác sĩ Quy trăn trở.