Hà Nội

Báo động tình trạng thiếu i-ốt ở nước ta đang quay trở lại

25-05-2018 19:54 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Theo báo cáo của mạng lưới i- ốt toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i- ốt nghiêm trọng nhất trên thế giới. Đây là một thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt i-ốt đang quay trở lại ở nước ta.

Thông tin trên được Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra tại Hội nghị cộng tác viên báo chí Nhân ngày Vi chất dinh dưỡng, diễn ra chiều ngày 25/5.

Theo GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam là nước nằm trong khu vực thiếu i- ốt. Cùng với việc sụt giảm độ bao phủ muối i-ốt trên toàn quốc, năm 2013-2014, Bệnh viện Nội tiết trung ương đã tiến hành điều tra tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi trên toàn quốc. Kết quả cho thấy tỷ lệ bưới cổ là 9,8%, mức trung vị i- ốt niệu là 8,4mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm qua, trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu i-ốt mà nước ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi dưới 5% và mước trung vị i-ốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl. Do đó, GS.TS. Lê Danh Tuyên nhấn mạnh, tăng cường i-ốt vào các thực phẩm thiết yếu đã được chứng minh là biện pháp đơn giản và hiệu quả để bổ sung i-ốt nói riêng và vi chất dinh dưỡng nói chung trong bữa ăn hàng ngày.

Bên cạnh đó, bà Đỗ Hồng Phương, Chuyên gia Chính sách dinh dưỡng của UNICEF khuyến cáo, việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là biện pháp có giá thành thấp nhất, chỉ 0,06 đô la Mỹ/người/năm nhưng lại có nhiều ưu điểm như thuận tiện, dễ áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, để biện pháp này đạt hiệu quả thì doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần thực hiện trách nhiệm xã hội cùng với nhà nước trong việc đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng vì nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và công bố cho biết không có thay đổi đáng kể nào với sản phẩm được sản xuất với muối bổ sung i-ốt về màu sắc, hương vị, cấu trúc.

Hiện nay, trên thế giới đã có 130 quốc gia quy định bắt buộc bổ sung i-ốt, trong đó có 69 nước yêu cầu sử dụng muối i-ốt cho thực phẩm chế biến.

Thiếu i- ốt sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như gây ra bệnh bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi. Thiếu i-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng... Ở phụ nữ mang thai, thiếu iốt dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu mẹ thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Chính vì vậy, việc sử dụng gia vị có bổ sung i-ốt trong nấu ăn, chế biến thực phẩm hàng ngày là biện pháp hiệu quả và bền vững để phòng ngừa thiếu hụt i-ốt.




T. Lương
Ý kiến của bạn