Bình thường, độc tố này tồn tại ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Khi cá bị ươn hoặc bị cơ thể cá bị bầm dập, tetrodomin sẽ biến đổi thành tetrodotoxin gây ra độc tố cực mạnh, cực kỳ nguy hiểm khi ăn phải.
Những năm qua, cả nước ghi nhận nhiều ca tử vong do ngộ độc cá nóc. Đáng báo động, mặc dù các địa phương, ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền về ngộ độc cá nóc nhưng ở nhiều nơi, người dân vẫn sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Tại các xã miền biển huyện Diễn Châu (Nghệ An), cá nóc vẫn được bày bán công khai ở chợ đầu mối, chợ dân sinh và người dân chế biến thành món ăn, sử dụng khá phổ biến trong bữa ăn hằng ngày.
“Cá tử thần” bày bán tràn lan
Cảng cá Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) nằm trên hệ thống sông đấu nối với cửa biển Lạch Vạn. Mỗi ngày, cảng cá này tiếp nhận hàng trăm phương tiện tàu, thuyền của ngư dân các xã bãi ngang, ven biển của huyện Diễn Châu cập bến bãi để bán buôn hải sản, trở thành đầu mối cung cấp nguồn hải sản lớn nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Tại cảng cá Lạch Vạn thường xuyên xuất hiện mặt hàng cá nóc, tiểu thương bày bán với số lượng lớn mỗi khi tàu, thuyền của ngư dân cập bến. Trong khu chợ ngay tại cảng cá dễ dàng bắt gặp cá nóc được các tiểu thương bày bán trên sạp, quầy có diện tích 1,2 - 2 m². Cá nóc là mặt hàng đắt khách nên các tiểu thương, người dân địa phương tranh nhau mua và vận chuyển đi tiêu thụ tại chợ dân sinh trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận.
Ngay tại chợ cá Lạch Vạn, không khó bắt gặp cảnh người dân đang mổ, sơ chế cá nóc bán cho người sử dụng, tiểu thương mua với số lượng lớn về phơi khô. Tuy nhiên, quá trình sơ chế, chế biến cá nóc tại đây không tuân thủ quy trình, người mổ cá không có kỹ năng chuyên môn nên tiềm ẩn nguy cơ thịt cá bị nhiễm độc tố từ các bộ phận của cá rất cao.
Theo chị Lê Thị L, người sơ chế cá tại cảng cá Lạch Vạn, thời điểm gần 10 giờ mỗi ngày, khi tàu, thuyền khai thác vùng lộng cập bến, chị thực hiện việc mổ, sơ chế cá nóc. Công việc luôn tay diễn ra trong vòng từ 2 - 3 giờ, cao điểm có ngày sơ chế được hàng chục kg cá nóc.
Các ngư dân địa phương cho biết, mùa khai thác cá nóc bắt đầu từ khoảng tháng 6 đến tháng 11 hằng năm. Hiện đang trong mùa nên cá đã trưởng thành, nhiều con có kích thước khá to. Cá nóc có giá bán tại bến khi tàu, thuyền cập bờ từ 25.000 - 30.000 đồng/kg (chưa qua sơ chế). Ngoài các loại hải sản như tôm, ghẹ, ốc, mực và các loài cá khác, cá nóc góp phần tăng thêm thu nhập sau mỗi chuyến đi biển gần bờ (đi lộng), ngắn ngày bởi loại cá này dễ bán, được giá, giá ổn định. Cá nóc khai thác được bao nhiêu, cập bến đều bán hết trong thời gian ngắn.
Từ chợ đầu mối cảng cá Lạch Vạn, cùng với các loại hải sản khác, cá nóc được các tiểu thương vận chuyển đi bán, tiêu thụ ở chợ dân sinh trong và ngoài huyện. Theo tìm hiểu, tại chợ dân sinh các xã ven biển Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Thành (huyện Diễn Châu), cá nóc được bán với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy kích thước cá đã phân loại. Người dân dùng cá nóc chế biến thành các món kho, nướng tẩm gia vị, nấu canh chua… Có nhiều người còn mua cá nóc về sơ chế, xẻ thịt phơi khô để bảo quản được lâu dài và sử dụng dần.
Cần thức tỉnh trước những cảnh báo khẩn thiết
Cá nóc được coi là loại sinh vật có xương sống độc thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau ếch độc phi tiêu vàng. Theo y học, độc tố tetrodotoxin có trong cá nóc là chất độc cực mạnh, gấp hằng trăm lần so với xyanua. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, khoảng 10 gram thịt cá nóc chứa độc tố tetrodotoxin khiến người từ khỏe mạnh rơi vào tình trạng ngộ độc. Khoảng từ 1 - 2 mg chất độc tetrodotoxin gây nên tử vong cho con người nếu không được cấp cứu, chữa trị kịp thời.
Độc tố tetrodotoxin trong cá nóc chỉ giảm một nửa khi đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ và bị phá hủy hoàn toàn khi đun ở 200 độ C trong 10 phút. Vì vậy, cách xử lý, sơ chế và chế biến thông thường (nấu, nướng chín) hay phơi khô, độc tố này chưa bị phá hủy. Đặc biệt, việc chế biến cá nóc hiện nay của cư dân miền biển Diễn Châu (Nghệ An) còn rất tùy tiện càng làm gia tăng nguy cơ thịt cá nhiễm độc từ các bộ phận gan, thận, tụy, túi tinh, cơ bụng, buồng trứng của cá bị vỡ nát, bầm dập. Nguy hiểm hơn, không riêng gì thịt cá, nhiều bộ phận khác như da, gan… cũng được người dân dùng để chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình.
Ngày 23/5/2003, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 681/CP-VX yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc cấp bách theo thẩm quyền để phòng, chống ngộ độc do ăn cá nóc. Nhiều năm qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân nhiều tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ngăn chặn ngộ độc cá nóc; phương tiện truyền thông cảnh báo nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm và tử vong do ăn cá nóc hoặc sản phẩm chế biến từ cá nóc vẫn xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Thực tế tại Nghệ An ghi nhận từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc và có trường hợp tử vong do ăn cá nóc. Phạm vi xảy ra vụ ngộ độc không chỉ ở vùng ven biển nơi đánh bắt nhiều cá nóc mà còn ở khu vực đồng bằng, vùng bán sơn địa do ăn phải cá nóc đã qua sơ chế, chế biến...
Ngày 6/5/2003, UBND tỉnh Nghệ An ban hành chỉ thị về việc phòng, chống ngộ độc cá nóc, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân hoạt động đánh bắt, thu mua, chế biến, vận chuyển, kinh doanh cá nóc và sản phẩm từ cá nóc; tuyệt đối không sử dụng cá nóc làm thực phẩm cho người và gia súc. Tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp liên ngành tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy chế về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ăn uống, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong buôn bán, lưu thông sản phẩm từ cá nóc theo quy định của pháp luật... Tuy nhiên, Chỉ thị ban hành đã hàng chục năm qua nhưng do cơ chế phối hợp giữa ngành Y tế, Quản lý thị trường, Thủy sản và chính quyền địa phương cơ sở còn bất cập, thiếu đồng bộ, nhiều khi buông lỏng trong thực hiện dẫn đến tình trạng cá nóc vẫn hiện diện ở nhiều chợ. Người dân vẫn dễ dàng tìm mua cá nóc với số lượng lớn để sử dụng, chế biến thành các món ăn.