Báo động tình trạng mua bán súng tràn lan trên mạng

09-11-2020 13:27 | Pháp luật

SKĐS - Mặc dù hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác, gây mất an ninh trật tự xã hội nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên vi phạm dẫn đến hậu quả khôn lường. Vụ việc nam sinh tử vong do trúng đạn lạc súng hơi vừa xảy ra tại Hà Nội mới đây thêm một lần nữa cảnh báo sự nguy hại của tình trạng này.

Rao bán “hàng cấm” công khai trên mạng xã hội

Theo tìm hiểu, việc buôn bán các loại súng săn (PCP), súng bắn đạn bi (súng Airsoft hay súng hơi hạng nhẹ) đã diễn ra từ nhiều năm nay.  Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội Facebook, YouTube còn xuất hiện nhiều hội nhóm, kênh video giới thiệu, rao bán các loại súng mới, nhái (tỷ lệ 1:1) theo các loại súng thật do nước ngoài sản xuất với mẫu mã đa dạng, bắt mắt và có giá tới cả chục triệu đồng. Gõ từ khóa “cần mua súng hơi” trên công cụ tìm kiếm Google lập tức cho ra gần 9 triệu kết quả, trong đó có nhiều trang giới thiệu về súng hơi chính hãng. Theo tìm hiểu, súng có xuất xứ phần lớn từ các nước Mỹ, Đức... nhưng rẻ, dễ kiếm vẫn là súng tự chế từ Trung Quốc và trong nước. Giá bán một khẩu súng hơi bắn đạn chì từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Theo tìm hiểu, cả người bán, người mua đều dùng tiếng lóng chỉ món hàng cấm này là “chó lửa” để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Súng săn dạng súng hơi và súng dài có độ sát thương cao được săn tìm chủ yếu là loại PCP Condor hay Airsoft có mẫu mã giống AK47, G36C... Ngoài ra, các phiên bản súng colt hoặc súng bắn tỉa cũng thuộc top đắt khách.

Dù thuộc “hàng cấm” nhưng việc mua bán súng trên mạng xã hội lại khá dễ dàng, khi chủ hàng công khai số điện thoại giao dịch. Về cách thức giao dịch, các chủ shop cho hay có thể chuyển hàng theo hình thức gửi bưu kiện hoặc gửi theo ôtô khách, sau khi kiểm tra hàng, khách thanh toán tiền cho người giao hàng. Đáng chú ý, để tránh việc bị cơ quan chức năng kiểm tra, shop sẽ chia nhỏ khẩu súng thành 2-3 đơn hàng chứa các bộ phận, linh kiện khác nhau. Người mua sau khi nhận được hàng sẽ được hướng dẫn xem lại video để tự lắp hoàn chỉnh.

Cơ quan công an thu giữ số lượng lớn súng săn, súng tự chế.

Cơ quan công an thu giữ số lượng lớn súng săn, súng tự chế.

Cần xử lý mạnh tay

Theo Công an TP. Hà Nội, từ tháng 3 đến tháng 9/2020, cơ quan này đã phát hiện và bắt giữ 89 vụ, 95 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ.Qua theo dõi đường bưu chính, lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ của Công an TP. Hà Nội cũng phát hiện 1.056 bưu phẩm chứa 460 linh kiện súng, 1.092 gậy ba khúc, 72 vũ khí thô sơ, dao, kiếm các loại, hơn 100 công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, súng bắn đạn cao su... Đồng thời, các đơn vị nghiệp vụ đã chặn được hơn 35 tài khoản facebook, web rao bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thời gian vừa qua liên tục xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, giết người, đe dọa giết người, cướp tài sản liên quan đến việc sử dụng súng (vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn...) có thể một phần do việc mua bán các loại hung khí quá dễ dàng. Việc quảng cáo, mua bán, trao đổi phương thức vận chuyển đối với các mặt hàng này chủ yếu thực hiện trên không gian mạng cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm từ gốc. Mặt khác, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ đối với các mặt hàng súng trên khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Theo Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hành vi sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả chỉ bị xử phạt từ 2-4 triệu đồng; xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Khi gây ra hậu quả chết người hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn tái phạm thì mới có căn cứ xử lý hình sự và chế tài đối với hành vi này cũng rất nhẹ.

Mặc dù lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng buôn bán, sử dụng; thu giữ nhiều loại súng bắn đạn bi, đạn chì. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, thiết nghĩ lực lượng chức năng cần phải áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm và kiên quyết xóa các video quảng cáo, hướng dẫn sử dụng các loại súng săn trên mạng Youtube nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán loại “đồ chơi” nguy hiểm này.

Khởi tố cựu Trung úy nghịch súng khiến nam sinh Đại học GTVT tử vong

Công an TP. Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Tính (SN 1991, trú tại quận Đống Đa, từng công tác tại Công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội) để điều tra về tội Vô ý làm chết người. Sự việc xảy ra tối 30/10, Nguyễn Xuân Tính cùng bạn bè ngồi uống nước ở khu vực phố Võ Văn Dũng (Ô Chợ Dừa, Hà Nội) và đã đem ra khoe một khẩu súng bắn chim mới mua trên mạng xã hội. Khi lấy súng ra xem, Tính không biết trong súng còn đạn nên thử bóp cò. Viên đạn trúng nam sinh Đ.A (SN 1999, học tại Đại học GTVT) đang ở bên kia đường, cách khoảng 30m. Đ.A sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do viên đạn găm vào chỗ hiểm nên đã tử vong sau đó. Tính đã ra đầu thú, thừa nhận toàn bộ sự việc và bị tước quân tịch để điều tra.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn