Báo động tình trạng mất an toàn bệnh viện

13-03-2014 12:29 AM | Thời sự

SKĐS - Thời gian qua, tình trạng mất an ninh, trật tự bệnh viện ở nước ta diễn ra ngày càng nhiều, trên diện rộng và diễn biến ngày càng phức tạp.

Thời gian qua, tình trạng mất an toàn bệnh viện ở nước ta diễn ra ngày càng nhiều, trên diện rộng và diễn biến ngày càng phức tạp. Nhằm gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn bệnh viện cũng như đưa vấn đề này vào vị trí ưu tiên trong chương trình cải thiện chất lượng dịch vụ y tế công của ngành y tế, ngày 12/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức Hội thảo “An ninh bệnh viện - Thực trạng và giải pháp”. Bên lề hội thảo, phóng viên SK&ĐS đã có cuộc phỏng vấn nhanh với các diễn giả về vấn đề trên.

Lợi dụng tình trạng đông bệnh nhân, các đối tượng xấu dễ bề trà trộn gây án. Ảnh: Trần Minh

Lợi dụng tình trạng đông bệnh nhân, các đối tượng xấu dễ bề trà trộn gây án. Ảnh: Trần Minh

Chỉ mong được toàn tâm trị bệnh cứu người

TS.BS. Hà Trần Hưng - Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai: Khoa cấp cứu là tuyến đầu của bệnh viện, luôn mở cửa tiếp xúc các thành phần xã hội, kể cả các đối tượng say rượu, nghiện ma túy, côn đồ, trộm cắp... Nhiều nhân viên Khoa Cấp cứu, Trung tâm Chống độc đã từng bị hành hung, khoa phòng nhiều lần bị đập phá. Năm 2011, tại bệnh viện Bạch Mai từng xảy ra một vụ việc. Lúc đó, bác sĩ T.T.G. cấp cứu bệnh nhân T.T.T. 56 tuổi, bị tai biến mạch não, sau sơ cứu ban đầu. Bác sỹ đang giải thích chụp CT cho bệnh nhân thì 1 trong 3 người con của bệnh nhân lao vào chửi bới, lăng mạ, đồng thời đạp thẳng vào bụng làm bác sĩ G. bất tỉnh tại chỗ. Khi bác sĩ H.B.H. và nhân viên bảo vệ vào can ngăn thì cũng bị thanh niên này đấm tới tấp, thâm tím mặt. Những vụ việc này tuy không thường xuyên nhưng gây tâm lý căng thẳng, tạo áp lực cho các bác sĩ đang cứu chữa bệnh nhân, thậm chí một số tình huống quá mức làm nhân viên y tế không thể tập trung chuyên môn.

Nếu bạn theo nghề y, bạn sẽ thấy bác sĩ chỉ mong được chuyên tâm trị bệnh cứu người. Cái cảm giác mỗi lần cứu được bệnh nhân sung sướng, hạnh phúc lắm. Nhưng nếu cứ thấp thỏm lo bị đánh thì chúng tôi rất khó để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Ở các nước phát triển, bệnh nhân khi đến bệnh viện rất tôn trọng và tin tưởng bác sĩ, bác sĩ được làm việc trong một môi trường an toàn, được tôn trọng, vì vậy hiệu quả khám chữa bệnh sẽ cao, người bệnh là đối tượng đầu tiên được thụ hưởng thành quả đó.

Audio phỏng vấn TS.BS. Trần Hà Hưng

Báo chí cần hiểu đúng, phân tích và đưa tin chính xác

GS.TS. Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo TW: Theo tôi, có ba nhóm gây mất trật tự an ninh bệnh viện là: trộm cắp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bệnh viện; cò mồi giả danh, bắt cóc trẻ em; tụ tập gây rối phá hoại tài sản công. Trong đó cò bệnh viện là đối tượng gây rối trật tự bệnh viện thường xuyên nhất, gây bức xúc nhất cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở tuyến trên với số lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc cao như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện K, Phụ sản... Trung bình, mỗi bệnh nhân sẽ phải chi cho cò từ 20 - 200 ngàn đồng tùy vào từng công đoạn khám hay chọn bác sĩ. Mặt khác, trong vài năm trở lại đây, đã có hàng chục vụ nhầm lẫn, bắt cóc trẻ sơ sinh gây chấn động xã hội cũng do đối tượng cò mồi gây ra. Tiếp đó là nhóm hành hung bác sĩ. Đối tượng này thường xuất hiện trong các tình huống xảy ra tai biến y khoa. Do không hiểu về y học, dân trí chưa cao, cùng với tâm lý không tin tưởng bác sĩ, khi xảy ra tai biến, người nhà bệnh nhân bức xúc dẫn đến ẩu đả, gây rối truy sát nhân viên y tế. Mặt khác, những mâu thuẫn, thanh toán nhau ngoài xã hội bị truy sát tới tận bệnh viện của các nhóm hỗn chiến giang hồ cũng ảnh hưởng đến bệnh nhân và nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, tôi cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong vấn đề này. Trong thời gian qua, các phóng viên đã góp phần rất tích cực trên mặt trận chống tiêu cực nói chung, nhiều bài viết kịp thời giúp người dân hiểu thấu đáo hơn vấn đề. Tuy nhiên có một số báo khai thác quá sâu những hình ảnh bất lợi cho việc đấu tranh chống tiêu cực, khai thác chưa đúng bản chất sự việc, đẩy vụ việc đi quá giới hạn cần thiết, khiến người dân hiểu sai vấn đề, từ đó nảy sinh tâm lý không tin tưởng, thiếu tôn trọng thầy thuốc - một đội ngũ đang hết mình cứu bệnh nhân. Điều đó không công bằng đối với các bác sĩ. Vì vậy tôi thấy rằng, để góp phần tăng cường an ninh bệnh viện, các phóng viên, trước khi đưa tin cần tìm hiểu kỹ, hiểu đúng bản chất của vấn đề, phân tích đúng, đưa tin chính xác, không kích động người dân.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng và cả xã hội phải đặt quyết tâm phân tích thực trạng, đưa ra giải pháp mới mong cải thiện được an ninh bệnh viện trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, trả lại môi trường bệnh viện an toàn để người bệnh yên tâm chữa bệnh, các bác sĩ yên tâm công tác.

Audio phỏng vấn GS.TS. Đào Văn Dũng

Cảnh giác với đối tượng xấu xâm nhập thông qua chương trình từ thiện nước ngoài

Thượng tá Vũ Văn Ngọc, Phó Trưởng phòng PA83, Công an Hà Nội: Công an Hà Nội phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc, tham mưu phối hợp với các đơn vị y tế xây dựng phương án phòng chống khủng bố, tổ chức tập huấn định kỳ, diễn tập xử lý tình huống. Đặc biệt, chúng tôi tham mưu cho các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế... tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các chương trình dự án nước ngoài, từ thiện bởi nhiều đối tượng xấu người nước ngoài thâm nhập hệ thống y tế thông qua các tổ chức từ thiện phi Chính phủ.

Audio phỏng vấn Thượng tá Vũ Văn Ngọc

Hiện cả nước có 1.180 bệnh viện (không tính các bệnh viện quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý). Bệnh viện công lập chiếm khoảng 90% số bệnh viện, tổng số giường bệnh của toàn hệ thống là 199.011 giường bệnh, tương ứng với tỷ lệ 22,5 giường bệnh cho 1 vạn dân, hàng năm đã khám chữa bệnh cho hơn 120 triệu lượt người bệnh.

Yến Châu (thực hiện)

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH