Thời gian gần đây, sự việc “rắn thần” xuất hiện tại thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang đã khiến dư luận xôn xao. Càng ngày, những câu chuyện về “thần rắn” hiển linh lại càng được đồn thổi. Đặc biệt là vào ngày rằm tháng hai vừa qua hàng trăm người đã đổ về đây để cầu cúng, cùng với nhiều thầy cúng, thanh đồng, thậm chí có cả các nhà sư đưa đệ tử đến lễ lạy. Nhiều người bị vong rắn nhập trườn bò lung tung, ăn nói bậy bạ.
Để xác minh sự việc, phóng viên đã đến nơi tụ tập thờ “rắn thần” ở thôn Tân Sơn. Không khó khăn để tìm được nơi thờ “rắn thần”. Rắn thần ngự ở một khu đất hoang trong con ngõ nhỏ đánh dấu là một mô đất được phủ lên trên bằng chiếc chiếu rách. Ngay từ đầu ngõ, xe cộ đã dàn ngang bịt kín cả lối đi. Từ xa, tiếng khấn vái lầm rầm. “Thần rắn” hóa ra là một con rắn nước đầu to bằng ngón tay cái, bụng tròn căng, có lẽ sắp đẻ(?). Con rắn nằm cuộn tròn trên chiếc khay đựng đầy những tờ tiền lẻ. Vòng trong, vòng ngoài có đến cả trăm người đang rướn cổ lên để cố gắng được xem “thần rắn”. Một chị sồn sồn ngồi ngay cạnh đấy ốp mấy tờ giấy bạc một nghìn vào giữa hai tay chắp, miệng liên hồi “lạy cô, lạy cô”. Điều đáng nói là trong đám người lố nhố kia có cả những cậu học trò vai quàng khăn đỏ. Những đứa trẻ còn bảo mỗi ngày chúng ra đây thăm “thần rắn” mấy lần, có hôm cả lũ còn bỏ học đi xem “thần rắn thế nào”. Thấy vậy, có cậu thanh niên mặt mũi bặm trợn, râu ria xồm xoàm quát lớn: “Thần rắn ở đâu ra, chúng mày về nhà đi học ngay kẻo tao bắt rắn về băm nát cho lợn ăn giờ”. Nghe vậy, mấy cụ già thét lên: “Trời đánh cái thằng này, mày báng bổ thần, thần về thần vật mày chết cho xem”. Tay thanh niên vẫn cười nhăn nhở, không một chút sợ hãi.
Câu chuyện “thần rắn” xuất hiện là do ngày mùng 1 Tết có một anh đi chăn trâu qua bãi đất trống thấy có con rắn nước nằm trên mỏm đất, nghĩ là năm rắn gặp rắn là may, anh ném tờ một ngàn vào chỗ rắn nằm, miệng nói: “Mừng tuổi cho mày một đồng”. Thấy lạ, dân làng đi qua, ai cũng bỏ vào chỗ rắn nằm vài đồng bạc lẻ để lấy may. Cạnh khu đất ấy lại có nhà chị H. Chồng chị H. mới mất năm ngoái, năm nay tròn 37 tuổi, tuổi Tỵ. Vậy là người làng đồn thổi rằng hồn chồng chị H. hiện về nhập vào con rắn nước. Một đồn mười, mười đồn trăm, thế rồi ban thờ được lập nên, các lễ cúng lớn nhỏ ầm ĩ một vùng quê. Sau đó lại còn có chuyện thần rắn nhập vong vào cô Thuận trưởng thôn, xưng là hồn một cô gái 13 tuổi đòi xây miếu thờ thần… Từ ngày đó, hàng nghìn khách thập phương về đây vái lạy và dâng tiền công đức để xây miếu thờ “thần rắn”.
Cứ thế hàng loạt các chuyện nhảm nhí, bịa đặt được lan truyền từ một con rắn. Không những thế trên 4 thân cây chết khô gần con rắn bỗng nhiên xuất hiện vài dòng chữ Hán nguệch ngoạc. Nhìn thì ai cũng biết chữ đó được vạch bằng dao. Điều đó cho thấy có những kẻ cố tình lợi dụng chuyện này để tuyên truyền dị đoan. Thậm chí còn cố tình tung tin những người báng bổ “rắn thần” đều bị điên dại. Chúng tôi đã tìm đến tận nhà một nhân vật được cho là bị “thần rắn” hại, anh ta nói: “Con rắn đó đúng là rắn nước, tôi bắt ăn thịt suốt ngày, mà mọi người cúng bái, tôi thấy ngộ quá, nên nói chơi vậy thôi. Ai ngờ, mấy hôm sau, tin đồn tôi bị điên, bị đột tử, bị bại liệt ầm ĩ khắp nơi. Đây này, tôi có bệnh tật gì đâu”.
Sự việc đã ngoài tầm kiểm soát
Việc một con rắn nước xuất hiện từ ngày 1 Tết đến nay, tức là gần 2 tháng trôi qua, mà sự việc “rắn thần” vẫn chưa được chấm dứt, hàng ngày vẫn có hàng trăm người khắp nơi đổ về xã Tân Dĩnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh cho biết: Từ đầu năm nay, xã đã biết việc này và đã cảnh báo đến tất cả các bí thư chi bộ, trưởng thôn và ban ngành trong xã, thôn đây là hiện tượng mê tín dị đoan. Nhưng lợi dụng chuyện này, một số thầy đồng, thầy cúng ở các nơi kéo về xã đã kiên quyết ngăn chặn, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Xã chỉ đạo công an xã thường xuyên bám sát khu vực, treo biển cấm tụ tập đông người, lượng người đến xem, khấn vái đã giảm đi nhiều so với thời gian trước, song số người từ các địa phương khác đổ về thì vẫn còn. Việc mê tín dị đoan này gây mất trật tự ở địa phương khiến chính quyền cũng rất “đau đầu”.
Sự việc có vẻ đã ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng địa phương khi người dân các nơi khác ùn ùn kéo về và những người dân ở đây còn đang có ý định xây miếu thờ theo lời phán truyền của rắn. Dự kiến miếu thờ sẽ khởi công vào 6 giờ 16 phút ngày 2-3 âm lịch tới. Nghe nói, dù chính quyền có đứng ra ngăn cản, dù khu đất này có nằm trong diện tích đất lưu không, bảo vệ đường dây cao thế, các cụ vẫn cứ xây… Điều đó cho thấy sự việc đã đi quá xa và đang có diễn biến hết sức phức tạp. Cần có sự can thiệp kiên quyết và kịp thời.
Nghiêm trọng hơn, thời gian gần đây có hàng loạt địa phương xuất hiện chuyện rắn thần, như một phản ứng dây chuyền, khiến người dân hoang mang lo ngại. Một vụ rắn phải kể đến là ở Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai). Cũng vì dám cả gan bắt “rắn thần” mà anh Hà Xuân Chiến, người dân tộc Tày suýt chết, thậm chí bàn tay đang bị hoại tử. Và ngay sau đó con rắn được coi là ma tổ và có hàng nghìn người mang hương hoa đến lễ lạy. Thực chất đó chỉ là một con rắn hổ mang bị bạch tạng. Mới đây, như PV đã thông tin tại miếu Vạn Phúc (Q. Hà Đông, Hà Nội) một số người dự lễ cúng tại miếu bỗng “bị” thần xà nhập, trườn bò, miệng xưng thần rắn đòi cúng hiến sinh một con bò. Trước đó, cũng ở Hà Nội, tin đồn “rắn nhập hồn em bé chết đuối” đã khiến cư dân thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội xôn xao.
Và không biết có đến bao nhiêu câu chuyện được thêu dệt đồn thổi mang đậm màu sắc hoang đường từ rắn: Nào là rắn thiêng, rắn biết nghe kinh Phật, nào rắn do trên trời sai xuống trần gian để cứu dân độ thế, rồi rắn báo oán, rắn nhập hồn, rắn thần tự tử….
Tại sao có “thần rắn” nhập xác
Việc những con rắn bị bệnh bạch tạng, những con rắn bị bệnh không còn nhanh nhẹn như rắn thường, hoặc những con rắn chọn nơi ở gần với con người vốn là chuyện bình thường. Nhưng khi mê tín dị đoan còn tồn tại, đội ngũ những thầy cúng, đồng cốt thường biến những sự việc này trở nên đặc biệt bởi những chuyện nhập hồn, những buổi cúng bái ly kỳ. Sau những chuyện nhập hồn phán truyền, nhiều người bình thường cũng bị nhập hồn, có những hành vi lạ kỳ. Chính vì vậy, dư luận về thần xà cứ thế mà đồn thổi. Thật ra khoa học đã xác định nguyên nhân của những chuyện nhập hồn từ lâu. Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân đã cho rằng: Đây là một biểu hiện bệnh lý có tên gọi là “Hội chứng lên đồng”. Hội chứng này đã được tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu và có mã số: F44.3 trong bảng phân loại các loại bệnh rối loạn tâm thần.
Việc một số người không làm chủ được bản thân, có những động tác bắt chước rắn trườn bò, phán truyền nhảm nhí chỉ là một hiện tượng tự ám thị do tác động của suy nghĩ và đức tin và dưới tác động của hiệu ứng có tên gọi là “Domino” - phản ứng lây dây chuyền sang những người khác. Những người chưa được nghe hoặc chưa biết về chuyện ở khu vực đó có “thần xà” thì chắc chắn không thể bị “nhập“. Chuyện “nhập” chỉ xảy ra đối với những người đã từng được nghe kể về chuyện này và họ phải là những người có tần số Alpha của não không ổn định, người bị huyết áp thấp. Đặc biệt là khi họ đến những nơi thờ tự, dưới tác động của khói hương và kèn trống... thì tự ám thị nằm trong tiềm thức của họ (đức tin) sẽ lập tức phát huy hiệu lực và họ bị cái gọi là “nhập”... Hiện tượng “nhập” ở đây là do người ta bị giật mình, quá sốc do sợ sệt một điều gì đó hoặc phải tiếp nhận thông tin liên tục, dồn dập... khi đó bộ não không kịp phân tích và xử lý thông tin thì bản thân người đó sẽ tự rơi vào trạng thái vô thức mà dân gian vẫn gọi là bị “nhập”. Việc nhập hồn này cũng một phần do chính những kẻ buôn thần bán thánh dựng lên để lôi kéo những người tin ở tâm linh đến lễ để kiếm tiền công đức.
Báo động về những lạm dụng văn hóa tâm linh
Trong một năm có tới hơn 40 vụ có dư luận về “rắn thần” xuất hiện với hàng chục am miếu được xây dựng và nhiều am miếu nữa sẽ được xây dựng là một hiện tượng không bình thường. Đặc biệt qua các vụ nổi trội, chúng ta thấy một mô hình chung, gần giống như nhau nhằm biến một hiện tượng tự nhiên trở thành linh thiêng. Đó là việc cố tình tạo ra tin đồn, đầu tiên những thầy cúng, lôi kéo những người cao niên ở địa phương lập ban thờ, sau đó xuất hiện hàng loạt các thầy cúng, đồng cốt, từ nhiều nơi kéo đến và các hiện tượng nhập hồn, nhiều khi có cả hầu đồng xuất hiện, qua các xác nhập hồn phán truyền nhiều việc về xây đền, cúng tế và cả những cảnh báo đe dọa... Dưới sự chỉ đạo của đám thầy cúng, đồng cốt đó, một nhóm các cụ cao tuổi địa phương sẽ đứng ra gây sức ép với địa phương để được hành lễ, xây miếu, thu tiền…
Những cơn mưa chuyện nhảm “rắn thần” này cũng cho thấy tệ nạn mê tín dị đoan đã ở mức báo động. Những kẻ xấu đã cố tình gây rối trật tự, hướng niềm tin của người dân vào những trò ma mị, nhảm nhí. Nguy hại hơn, rất nhiều người dân đã tin vào điều đó, bỏ bê ruộng đồng, công việc, học hành để mải mê cúng bái. Đã đến lúc các lực lượng chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết dẹp các vụ việc thờ cúng tín ngưỡng không có căn cứ lịch sử, không ở trong các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng. Đặc biệt cần cương quyết ngay từ lúc sự việc mới xảy ra, không để những kẻ lợi dụng mê tín dị đoan từ các nơi kết hợp với những người địa phương gây sức ép cho chính quyền địa phương. Xây dựng các cơ sở thờ tự mới phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Nếu có hành vi tự ý xây dựng cơ sở thờ tự trái phép, phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cần phải xử lý một số đối tượng vi phạm truyền bá mê tín dị đoan để răn đe những đối tượng khác. Đừng nghĩ đây chỉ là việc nhỏ. Không nên để một mình chính quyền địa phương loay hoay, lúng túng giải quyết.