Báo động tình trạng kháng kháng sinh và các biện pháp ngăn chặn

13-11-2018 07:06 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Việc sử dụng kháng sinh bất hợp lý không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân người dùng mà còn tác động đến cộng đồng do tình trạng kháng kháng sinh đang trở nên phổ biến

 

Kháng kháng sinh là gì ?

Penicilin G là kháng sinh đầu tiên được nhà bác học Alexandre Flemming tìm ra năm 1928, đến năm 1935 Domagk phát hiện ra sulfonamid. Kể từ đây, mở ra thời kỳ mới cho việc sử dụng nhóm thuốc mới rất hiệu quả, kháng sinh không chỉ được dùng để dự phòng và điều trị bệnh nhiễm khuẩn còn được dùng trong phòng các bệnh gây hại đối với cây trồng và vật nuôi, kích thích sự sinh trưởng của động thực vật và bảo quản thực phẩm, tuy nhiên trong những năm gần đây việc sử dụng tràn lan gây ra hiện tượng kháng kháng sinh đến mức báo động.

Kháng sinh được hiểu là những chất do vi sinh vật tiết ra hoặc những chất hóa học bán tổng hợp, tổng hợp, với nồng độ rất thấp, có khả năng kìm hãm sự phát triển hoặc diệt được vi khuẩn.

Việc sử dụng kháng sinh bất hợp lý ảnh hưởng đến cá nhân người dùng và cộng đồng do tình trạng kháng kháng sinh đang trở nên phổ biến

Kháng sinh được coi như vũ khí quan trọng được con người dùng để chống lại vi khuẩn gây bệnh, ức chế sự phát triển của vi khuẩn được coi là kháng sinh kìm khuẩn; kháng sinh huỷ hoại vĩnh viễn được vi khuẩn gọi là kháng sinh diệt khuẩn. Tác dụng kìm khuẩn và diệt khuẩn của kháng sinh phụ thuộc nồng độ hoặc thời gian.

Việc sử dụng kháng sinh bất hợp lý không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân người dùng mà còn tác động đến cộng đồng do tình trạng kháng kháng sinh đang trở nên phổ biến, mặt khác mô hình bệnh tật ở nước ta hiện nay thì bệnh lý nhiễm khuẩn đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong, do vậy việc sử dụng rộng rãi kháng sinh càng gây ra tình trạng kháng kháng sinh.

Xuất phát từ thực tế này mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao khi tỉ lệ kháng kháng sinh với các loại kháng sinh thuộc nhóm carbapenem đã tăng tới 50%, chủ yếu từ vi khuẩn gram âm; còn tỷ lệ kháng kháng sinh  nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 đã tăng lên hơn 60% trong cả nước.

Kháng kháng sinh được hiểu là tình trạng vi khuẩn có khả năng kháng lại hiệu quả của thuốc và tiếp tục nhân lên trong cơ thể người bệnh ngay cả khi điều trị bằng kháng sinh. Hiện tượng này thường là kết quả của việc lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý và lạm dụng thuốc .

Cơ chế kháng kháng sinh

Vi khuẩn đề kháng lại kháng sinh bằng bốn cơ chế chính: Ức chế bằng enzym; Giảm tính thấm của kháng sinh vào vi khuẩn; Biến đổi vị trí gắn kết và Bơm đẩy (efflux pumps)

Phân loại đề kháng thuốc

- Đề kháng giả: Là hiện tượng vi khuẩn vẫn nhạy cảm với kháng sinh trong phòng thí nghiệm nhưng sử dụng trên lâm sàng không đáp ứng, thường xảy ra trong các trường hợp:

- Hệ thống miễn dịch suy giảm như bệnh nhân nhiễm virus HIV, dùng corticoid kéo dài.

- Do kháng sinh không tiếp cận được vi khuẩn: ứ trệ tuần hoàn, vi khuẩn nằm trong tổ chức xơ dày.

- Do dùng kháng sinh không phù hợp với đặc điểm dược động học, không đúng đường, không đúng liều, dùng sai qui cách.

- Đề kháng thật gồm có kháng thuốc tự nhiên và kháng thuốc mắc phải

Kháng thuốc tự nhiên: Vi khuẩn lao, E. coli và trực khuẩn mủ xanh không chịu tác động của penicilin G. Vi khuẩn không có vách (Mycoplasma) không chịu tác dụng của kháng sinh có cơ chế tác dụng lên vách tế bào (Beta-lactam). Do đặc điểm cấu trúc di truyền của vi khuẩn, trong thực hành cần ghi nhớ tránh dùng kháng sinh bị vi khuẩn kháng tự nhiên.

Kháng thuốc mắc phải: Là sự kháng thuốc của những vi khuẩn thuộc phổ tác dụng của một kháng sinh nào đó nay đã trở nên kháng lại (trực khuẩn thương hàn kháng lại cloramphenicol).

Nguyên nhân kháng thuốc mắc phải do đột biến gen, do nhận gen kháng thuốc từ vi khuẩn khác khi tiếp xúc gần nhau (cách này hay gặp nhất, gen kháng thuốc có thể truyền đồng thời qua hình thức tiếp hợp (conjugation) hoặc tải nạp (transduction), do chọn lọc tự nhiên (các vi khuẩn nhạy cảm bị tiêu diệt, các vi khuẩn kháng thuốc được giữ lại một cách chọn lọc và phát triển).

Các biện pháp hạn chế tình trạng kháng kháng sinh

- Chỉ dùng kháng sinh điều trị khi chắc chắn nhiễm khuẩn, không dùng bao vây.

- Chọn kháng sinh theo kháng sinh đồ trong mọi trường hợp có thể, ưu tiên kháng sinh phổ hẹp, đặc hiệu.

- Dùng kháng sinh đúng liều lượng, đủ về thời gian và phối hợp kháng sinh hợp lý.

- Tuân thủ các biện pháp khử khuẩn và vô khuẩn, tránh lan truyền vi khuẩn đề kháng.

- Giới thiệu, tuyên truyền cho cộng đồng biết về lợi ích và nguy cơ của kháng sinh.

- Tăng cường hệ thống quản lý và phân phối kháng sinh, kiểm soát và hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi thú y.

Dùng kháng sinh đúng, đủ liều lượng góp phần hạn chế tình trạng kháng thuốc

- Thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế: Tất cả các thuốc kháng sinh phải được kê và bán theo đơn. Nâng cao sự hiểu biết, nắm vững các nguyên tắc sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý đối với bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ và các cán bộ y tế khác.

- Nghiên cứu tìm ra thuốc kháng sinh mới để chống lại các vi khuẩn đề kháng. Đây là biện pháp khó khăn, vì thực tế trong những năm gần đây mặc dù khoa học phát triển nhưng không nhiều kháng sinh mới ra đời để tăng vũ khí chống lại vi khuẩn.

Lựa chọn và phối hợp kháng sinh như thế nào để hạn chế kháng kháng sinh ?

Lựa chọn thuốc kháng sinh phụ thuộc hai yếu tố: người bệnh và vi khuẩn gây bệnh.

- Yếu tố liên quan đến người bệnh: cần xem xét đến lứa tuổi, tiền sử dị ứng thuốc, chức năng gan-thận, tình trạng suy giảm miễn dịch, mức độ nặng của bệnh, bệnh mắc kèm, cơ địa dị ứng. Cần lưu ý đối tượng phụ nữ có thai, cho con bú để cân nhắc lợi ích/nguy cơ.

- Yếu tố liên quan đến vi khuẩn gây bệnh: cần quan tâm đến loại vi khuẩn, độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn. Cần cập nhật tình hình kháng kháng sinh để có lựa chọn phù hợp. Cần lưu ý các biện pháp phối hợp để làm giảm mật độ vi khuẩn và tăng nồng độ kháng sinh tại ổ nhiễm khuẩn như làm sạch ổ mủ, dẫn lưu, loại bỏ tổ chức hoại tử… khi cần thiết.

 


TS Trần Thanh Tùng
Ý kiến của bạn