Theo số liệu từ Bộ Công an, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, trong đó khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Cá biệt, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.
Tình trạng học sinh sử dụng chất cấm bị các lực lượng chức năng phát hiện không hiếm gặp. Ngoài việc sử dụng, không ít em còn tham gia tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp ngay trong trường học. Từ công tác xét xử những đối tượng cầm đầu đường dây mua bán ma túy cho thấy, học sinh đang là mục tiêu mà các băng nhóm buôn bán ma túy lợi dụng, khai thác phục vụ mục đích xấu bởi đây là nhóm nguy cơ cao dễ bị dụ dỗ, khống chế.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, nhiều tháng gần đây Trung tâm đã tiếp nhận, điều trị các trường hợp là học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử; bánh, kẹo, nước giải khát... có chứa ma túy. Mới đây nhất, Trung tâm điều trị cho một số học sinh đến từ tỉnh Yên Bái sau khi hút thuốc lá điện tử có hương vị lạ. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho thấy, trong thuốc lá điện tử chứa chất ma túy mới chưa có tên trong danh mục chất gây nghiện. Hoạt chất này gây loạn thần, có thể dẫn tới ngộ độc, tử vong nhanh chóng đối với người sử dụng.
Khi được hỏi về cách nhận biết những đồ vật nào có thể ẩn chứa chất ma túy, nhiều học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP. Hà Nội bày tỏ sự lúng túng, lo ngại khi không phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn hay đâu là sản phẩm có chứa các chất gây nghiện. Một em học sinh chia sẻ: "Bình thường, em cũng có đọc các thông tin về ma túy trá hình trong những đồ ăn. Em sợ rằng lúc nào đó mình có thể trở thành nạn nhân hoặc người sử dụng ma túy mà không hay biết".
Lý do khiến tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng, Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho rằng, vì tội phạm ma túy biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo, rủ rê nên tìm đủ cách đưa ma túy vào học đường thông qua chính học sinh, sinh viên. Lực lượng công an đang căng mình tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy, không để ma túy sản xuất trong nước xâm nhập vào nhà trường, cùng kết hợp với ngành GD&ĐT để ngăn chặn ma túy học đường.
Ðể ngăn chặn tội phạm ma túy trong trường học, Bộ GD&ÐT cũng đã ban hành bộ tài liệu mang tính chuyên sâu về kỹ năng phòng ngừa, nhận biết các nguy cơ, tình huống không an toàn với ma túy. Ðây là một việc làm kịp thời trong bối cảnh các loại tội phạm về ma túy đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, vẫn cần sự quyết liệt hơn nữa từ phía Bộ GD&ÐT cùng các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn từ xa các vụ nhập lậu ma túy vào Việt Nam, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu để răn đe các đối tượng khác. Bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành thì rất cần sự chung tay từ phía gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình ý thức phòng ngừa với ma túy mọi lúc, mọi nơi.