Từ tháng 5/2010 đến nay, trên tuyến Quốc lộ 1A, 1B, đường Song Giáp, đường 46 (Lạng Sơn) liên tục xuất hiện xe của người tàn tật mang phù hiệu “thương binh” thậm chí thuê thương binh ngồi trên xe (mỗi chuyến từ 200 đến 300 nghìn đồng) chở hàng lậu với số lượng lớn. Khi các cơ quan chức năng xử lý, những “thương binh đầu gấu” lôi kéo đông người, gây sức ép với lực lượng chống buôn lậu.
Sẵn sàng nằm dưới lốp xe để cản đường
Theo ông Đặng Văn Ngọc, Trưởng Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt, cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt được phát động đã làm tình hình buôn lậu trên biên giới có xu hướng giảm. Để tiếp tục “làm ăn”, các đối tượng buôn lậu đã dùng thủ đoạn tinh vi hơn, buôn lậu những mặt hàng “độc” hơn như phụ tùng ô tô, máy điều hoà, máy phát điện, hàng giả, thời trang nữ giới... có thuế suất cao, lãi lớn. Để qua mắt lực lượng chống buôn lậu, các chủ đầu nậu thuê người tàn tật, hoặc “thương binh giả” chở hàng thuê áp tải hàng lậu trên khâu lưu thông.
Khi chở hàng lậu có giá trị cao, đầu nậu cho áp tải bởi một đội quân đi xe máy, mang theo hung khí, vỏ chai để khi cần sẵn sàng xông vào hành hung cán bộ làm nhiệm vụ. Điển hình là ngày 5/7/2010, khi phát hiện xe thuê thương binh áp tải chuyển hàng nghi có chất gây nghiện, cán bộ trạm Dốc Quýt đã kiên quyết bắt giữ, nhưng các đối tượng đã dùng hung khí để tấn công; có tên nằm xuống lốp xe để cản đường. Sau khi phát hiện phần lớn các xe chở hàng lậu không phải là xe của thương binh, Trạm kiên quyết bắt giữ thì chỉ vài tiếng đồng hồ sau các đối tượng buôn lậu thuê một số thương binh, huy động vài chục xe ba bánh đến chửi bới, đe doạ(!?). Đến cuối tháng 7, tình hình buôn lậu tạm lắng xuống, nhưng hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ, tại thị trấn Đồng Đăng, cửa khẩu Cốc Nam còn tới trên 30 xe ba bánh núp danh nghĩa xe thương binh, người tàn tật luôn trong tình trạng sẵn sàng chở hàng lậu về xuôi....
Tình trạng giả thương binh để vận chuyển hàng lậu đang gia tăng. |
“Xe ba bánh dán thẻ thương binh”
Loại xe ba bánh tự chế hoặc nhập lậu linh kiện để lắp ráp sử dụng cho đối tượng là thương binh và người tàn tật tham gia giao thông đã xuất hiện hàng chục năm tại Lạng Sơn. Tuy nhiên, trong vòng 6 năm qua, một số đối tượng không chỉ ở Lạng Sơn mà từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình đã lợi dụng danh nghĩa thương binh, in phù hiệu thương binh vào thành xe để vận chuyển gỗ lậu, gà nhập lậu từ Lạng Sơn vào các tỉnh phía sau. Loại xe này lại vươn lên sát khu vực biên giới để vận chuyển hàng nhập lậu qua đường mòn với khối lượng hàng trị giá 50 - 60 triệu đồng/chuyến, gây nên tình hình phức tạp trong công tác chống buôn lậu (CBL), an toàn giao thông, trật tự xã hội... Công tác đấu tranh xử lý đối với các đối tượng buôn lậu ở Lạng Sơn vốn đã phức tạp, nay trong tình trạng lợi dụng sử dụng xe ba bánh đeo phù hiệu thương binh chở hàng lậu lại càng khó khăn hơn trong khâu xử lý.
Các lực lượng CBL Lạng Sơn đánh giá những ngày cao điểm có khoảng 100 lượt xe ba bánh vận chuyển hàng lậu chạy trên các trục đường QL1A, 1B, đường Song Giáp, đường 46. Tuy nhiên, theo Thượng tá Lộc Văn Dầy, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn: Đến hết tháng 7/2010, phòng CSGT mới cấp Giấy phép lưu hành cho 17 xe ba bánh gắn máy tự chế có dung tích từ 100 - 110 phân khối cho chủ sử dụng là thương binh và người tàn tật. Ông Dầy cũng cho rằng chưa thể kiểm soát nổi loại xe này, nhất là khi bị lợi dụng vào vận chuyển hàng lậu. Vì xe chở hàng lậu nào cũng thuê người giả danh thương binh áp tải hàng, khi bị giữ xe hàng, chỉ sau vài cú điện thoại đã có thêm nhiều xe ba bánh khác đến gây sức ép, lăng mạ lực lượng chức năng và thực hiện các hành vi vạ vật, gây rối. Mỗi chiếc xe 3 bánh bị tạm giữ cần có đầy đủ các lực lượng liên quan, trong đó có cán bộ ngành Lao động - TB & XH tham gia. Anh Phạm Việt Dũng, cán bộ phòng Người có công thuộc Sở Lao Động - TB & XH tỉnh Lạng Sơn được huy động tham gia thành viên Ban 127 (Ban CBL) của tỉnh trong những ngày “nóng” cuối tháng 7 vừa qua cho hay: Trong 10 vụ tham gia xử lý xe ba bánh chở hàng lậu mà anh tham gia giải quyết, thì có 9 vụ mang danh thương binh ngồi cạnh người điều khiển xe và đứng ra nhận hàng, 1 vụ của người tàn tật và 3 vụ “thương binh” ở các tỉnh Bắc Ninh và Thái Bình, nhưng kiểm tra kỹ đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường của thẻ thương binh mà “chủ nhân” không giải thích được.
Tình trạng buôn lậu ở Lạng Sơn tăng hay giảm tuỳ thuộc vào thời điểm và mỗi đợt đấu tranh CBL của lực lượng chức năng triển khai. Trước tình hình xe ba bánh vận chuyển hàng lậu đang hoành hành, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo, yêu cầu các ngành chức năng phối hợp cùng Ban 127 để ngăn chặn tình trạng này. Các lực lượng CBL phát hiện, xử lý đối tượng có hành vi lợi dụng danh nghĩa thương binh theo đúng quy định pháp luật; kiên quyết đấu tranh với những đối tượng giả danh, côn đồ làm ảnh hưởng đến danh nghĩa của thương binh.
Hoàng Toàn