Báo động tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền và đối tượng

12-12-2022 18:24 | Xã hội

SKĐS - Mức sinh có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó, mức sinh không đồng đều tại các vùng, miền, tỉnh/thành đang là thách thức lớn của công tác dân số ở nước ta hiện nay.

Nghịch lý về chênh lệch mức sinh

Theo số liệu của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế hiện nay cả nước có 33 tỉnh, TP có mức sinh cao (42% dân số); có đến 21 tỉnh, TP có mức sinh thấp (39%); 2 vùng có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ (1,56)%, đồng bằng sông Cửu Long (1,8%)...

21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang. Trong số này, mức sinh ở TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, lại ở nhóm thấp nhất cả nước (1,36 con). Đồng Tháp (1,57 con); Cần Thơ (1,58 con), Cà Mau (1,62 con), Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (1,7 con)...

33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đăk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Nam.

Vùng mức sinh thay thế gồm 09 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.

Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Chương trình đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Theo các chuyên gia, dù nước ta đạt được mức sinh thay thế nhưng lại có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền vẫn cao. Đó là tình trạng ở khu vực khó khăn lại có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi đó khu vực đô thị, kinh tế xã hội phát triển hầu như đều có mức sinh thấp, thậm chí có nơi rất thấp. Điều này dẫn đến sự mất cân đối về dân số và phát triển xã hội.

Nhận định về vấn đề này, ông Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô DS-KHHGĐ cho biết, thực trạng này đang ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dân số, sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và cả nước.

Cũng theo ông Sơn, nguyên nhân của tình trạng này là xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. Cùng với đó là tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh.

Báo động tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền và đối tượng - Ảnh 2.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại BV Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh - nơi hiện có mức sinh thấp nhất cả nước (ảnh BVCC)

Do đó, điều chỉnh mức sinh hợp lý mang ý nghĩa sống còn không chỉ với chính sách dân số mà với các chính sách quốc gia. Bởi con người là động lực, là mục tiêu của sự phát triển trong xã hội hiện đại. Sự bất ổn về cơ cấu, quy mô dân số sẽ gây hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng cũng đã bước vào thời kỳ già hóa dân số, sự tận dụng cơ cấu dân số vàng chưa được triệt để đã phải đón nhận một quốc gia nhiều người già... sẽ gây ra nhiều hệ lụy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển đất nước. Vì vậy, điều chỉnh mức sinh hợp lý khắc phục mức sinh đang chênh lệch giữa các vùng, đối tượng là giải pháp quan trọng nhất.

Giải bài toán khắc phục chênh lệch mức sinh giữa các vùng

Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế hơn 15 năm qua nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Bối cảnh trên đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước.

Việt Nam đã sớm nhận thức những thách thức về sự khác biệt mức sinh xảy ra trong thực tế, ngay trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 15/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới đã xác định các kịch bản ứng phó thông qua các mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu 1 đến 2030 là "Duy trì vững chắc, mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), qui mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các BPTT hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn".

Các mục tiêu và giải pháp này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 137 NQ-CP của chính phủ ngày 30/12/2017 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21 –NQ/TW; Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt theo quyết định 1679 /QĐ-TTg ngày 22/11/2019 khẳng định các mục tiêu trên với hệ thống 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Đây là bước cụ thể hóa quan trọng trong việc thực hiện điều chỉnh mức sinh. Trong quyết định này đã xác định 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là:

- Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con).

- Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con).

- Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con).

Trong đó hoạch định cụ thể 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Như vậy có thể nói Việt Nam đã chuẩn bị các kịch bản từ sớm và tiến hành bài bản từng bước chắc chắn để điều chỉnh mức sinh, không để mức sinh tăng lên quá cao hoặc quá thấp. Những kịch bản và giải pháp đã được hoạch định cụ thể cho toàn quốc, từng vùng và từng nhóm đối tượng, trong đó đã lựa chọn ưu tiên cho hai nhóm đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và vị thành niên, thanh niên.

Có thể nói, đây là các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, mang lại lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của đất nước



H.Nguyên
Ý kiến của bạn