Hà Nội

Báo động tỉ lệ phá thai ở Việt Nam vẫn ở mức cao

08-05-2018 17:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tổng tỷ suất phá thai ở Việt Nam hiện nay là 0,42, có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người đã từng phá thai ít nhất một lần trong toàn bộ giai đoạn sinh sản. Khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai trong cuộc đời của mình…

Ngày 8/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo phổ biến Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam do Bộ Y tế, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA). Báo cáo cho thấy, tiếp cận kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là quyền cơ bản của mỗi người. Đầu tư cho KHHGĐ đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Tại Việt Nam, tổng tỷ suất sinh đã giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến nay tỉ lệ này đã ở mức sinh thay thế là 2.09 con tại thời điểm 2016. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37 phần trăm trong năm 1988 lên 67 phần trăm trong năm 2016. Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 vào những năm 1990 xuống đến 69/100.000 năm 2009, và hiện đã giảm xuống 58.3/100.000 vào năm 2016.

Theo các chuyên gia, mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức ở Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu: khoảng 214 triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển còn thiếu các phương tiện tránh thai an toàn và hiệu quả. Hầu hết những phụ nữ này sống ở 69 nước nghèo nhất trên thế giới. Đáp ứng nhu cầu các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại sẽ cứu sống được nhiều phụ nữ do ngăn chặn được gần 67 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và giảm được 1/3 số ca tử vong mẹ hàng năm (tức giảm khoảng 100,000 ca trong tống số 303,000 ca chết toàn cầu 1 năm).

cứ 5 phụ nữ thì có 2 người đã từng phá thai ít nhất một lần trong toàn bộ giai đoạn sinh sản. Ảnh minh họa.

Kết quả của nghiên cứu này ở Việt Nam cho thấy 80,5% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15-49 đang sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 64,4%. Đặt vòng tránh thai là biện pháp phổ biến nhất (25,2%), tiếp theo là thuốc tránh thai (19,3%) và bao cao su (13,3%).

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực Đông Nam bộ cao nhất và có liên quan với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống cao nhất ở khu vực này (27,2%). Ngược lại, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và điều này có liên quan với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống thấp nhất ở khu vực này (10,5%). Các kết quả này cho thấy một số người dân vẫn thực hành các biện pháp tránh thai truyền thống và ít sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

2/5 phụ nữ từng phá thai ít nhất một lần

Theo thống kê, tổng tỷ suất phá thai ở Việt Nam hiện nay là 0,42, có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người đã từng phá thai ít nhất một lần trong toàn bộ giai đoạn sinh sản. Khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai trong cuộc đời của mình, trong đó tỷ lệ ở khu vực thành thị là 19,6% và ở khu vực nông thôn là 16,5%. Theo vùng sinh thái, tỷ lệ này ở vùng duyên hải Bắc và Nam Trung bộ là 7,7% và ở vùng Đồng bằng sông Hồng là 33,5%.

Cũng theo báo cáo kết quả nghiên cứu, kết quả đánh giá của khách hàng về chất lượng dịch vụ cho thấy 93% khách hàng hài lòng với dịch vụ được cung cấp. Tuy nhiên, chỉ có 40% khách hàng cho biết họ sẽ giới thiệu cơ sở cung cấp dịch vụ đó cho hàng xóm và người thân.

Ảnh minh họa.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: "Thực hiện tốt các quyền về chăm sóc Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên/vị thành niên có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới tới vào năm 2030.  Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. UNFPA tại Việt Nam cam kết sẽ luôn chung tay hỗ trợ chính phủ và người dân Việt Nam để mọi người dân có thể được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe – bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ sức khỏe tình dục. Nếu chúng ta cùng chung tay góp sức, tôi tin rằng không có mục tiêu nào mà chúng ta không thể đạt được".

Đầu tư vào công tác KHHGĐ chính là đầu tư nhằm cải thiện sức khoẻ và thực hiện các quyền của phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Những sự đầu tư này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác có thể thúc đẩy quá trình phát triển và vì vậy đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của Chương trình nghị sự Vì sự phát triển bền vững 2030 cùng với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững.


D.Hải
Ý kiến của bạn