Một hình thức trốn thuế
Từ vụ hai du khách Trung Quốc suýt bị “chém” trên 70 triệu đồng/1,9kg tam thất xay tại kiốt A114 ở trung tâm du lịch Bãi Cháy vào cuối tháng 4/2018, lực lượng chức năng đã phát hiện tại đây có 3 máy POS được các đối tượng sử dụng trái phép. Qua kiểm tra, 3 máy này đều đem từ Trung Quốc sang, không đăng ký thanh toán qua hệ thống ngân hàng Việt Nam và khoảng 700 triệu VND quy đổi đã được chuyển về Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Văn Đoan - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Quảng Ninh cho biết, theo quy định, việc nhập khẩu máy POS phải có giấy phép và phải đăng ký sử dụng thông qua hệ thống ngân hàng trong nước. NHNN chỉ quản lý được những máy POS đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp như vụ ở kiốt A114 là rất khó, bởi chỉ cần có mạng 3G thì có thể thanh toán ở bất cứ nơi đâu.
Cũng theo ông Đoan, năm ngoái, đoàn liên ngành đã phát hiện một loạt vụ thanh toán và chuyển tiền trái phép về Trung Quốc qua máy POS có đăng ký tại Việt Nam. Vì thế, sau đó, các đối tượng buôn gian, bán lận có xu hướng chuyển sang dùng POS không đăng ký tại Việt Nam và vụ ở kiốt A114 là vụ đầu tiên bị bắt quả tang. Có thể thấy rằng, các đối tượng mượn địa bàn Quảng Ninh để mua bán, giao dịch giữa người Trung Quốc với nhau. Máy POS “chui” từ nước ngoài mang vào Việt Nam rất khó kiểm soát. Bởi thiết bị nhỏ gọn, dễ dàng cất giấu và chỉ cần gắn thêm sim 3G là có thể thực hiện giao dịch nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, thậm chí cả khi đang di chuyển. Nếu không bắt quả tang khi đang thực hiện giao dịch qua POS, lực lượng chức năng không thể xử lý các đối tượng vi phạm.
Tại Việt Nam, các địa phương có hoạt động du lịch sôi động, số lượng du khách nhiều, đặc biệt là du khách Trung Quốc, đều có nguy cơ các đối tượng lợi dụng thanh toán “chui” qua máy POS. Việc làm này khiến địa phương thất thu thuế, việc kiểm soát hoạt động cơ sở kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Những chiếc máy POS hoạt động trái phép bị thu giữ tại Quảng Ninh.
Giao dịch ngoại tệ trái phép
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật SBLAW nhận định, việc nhập khẩu máy POS phải có giấy phép và phải đăng ký sử dụng thông qua hệ thống ngân hàng trong nước. NHNN chỉ quản lý được những máy POS đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Do vậy, bản chất của việc thanh toán qua máy POS mà không thông qua tài khoản đăng ký tại Việt Nam là giao dịch bằng đồng ngoại tệ trái phép. Do hành vi trên vi phạm quy định hiện hành nên theo Điểm a Khoản 6 Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng pháp luật có thể bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng. Cụ thể: Phạt tiền từ 200-250 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật; Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phát sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật... Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm, hoạt động thanh toán chui này sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia, vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước do đồng tiền niêm yết, giao dịch và thanh toán đều bằng ngoại tệ; không quản lý các giao dịch thanh toán được thực hiện tại Việt Nam; không bảo vệ được người tiêu dùng và người bán hàng; gây thất thoát thuế do các giao dịch hoàn toàn xử lý tại nước ngoài. Nói cách khác, đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ nhưng không thu được tiền về Việt Nam.
Do vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan phải phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng vào cuộc để quản lý, kiểm tra việc thanh toán tại các điểm bán hàng (nhất là những điểm có khách nước ngoài) và nguồn gốc hàng hóa nhằm hạn chế tình trạng các đối tượng trong và ngoài nước liên kết với nhau sử dụng máy POS trái phép chuyển tiền ra nước ngoài để trốn thuế.
Sau vụ việc ở Quảng Ninh, NHNN đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn (công an, QLTT, thuế...) phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện các hành vi vi phạm quy định về thanh toán, quản lý ngoại hối, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để xem xét xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực NH theo quy định tại Nghị định 96/2014 và các văn bản khác có liên quan về xử lý vi phạm hành chính.