Gia tăng bệnh nhân khớp trong mùa lạnh
PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, Trưởng khoa Cơ xương khớp, BV Bạch Mai cho biết, bệnh lý cơ xương khớp là bệnh lý thường gặp, có thể gặp cả ở trẻ em và người lớn tuổi. Tuy nhiên, những bệnh lý như thoái hóa khớp, loãng xương, viêm khớp dạng thấp thường gặp ở người lớn tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh cơ xương khớp là 1 trong 10 nguyên nhân gây tàn phế. Trong đó, thoái hóa khớp chiếm 1/3 trong nhóm bệnh lý cơ xương khớp. Đáng chú ý là ngày nay bệnh lý cơ xương khớp ngày càng trẻ hóa, thậm chí có bệnh nhân mới 35 tuổi đã bị thoái hóa khớp, đây là một vấn đề cần quan tâm để điều trị sớm, phòng tránh khớp biến dạng, hạn chế vận động khớp sau này.
Nói về nguyên nhân khiến bệnh cơ xương khớp ngày càng trẻ hóa, PGS. Hồng cho rằng do chế độ sinh hoạt, lao động không hợp lý dẫn tới đau cột sống thắt lưng cấp tính, thoái hóa khớp, bệnh lý đau quanh khớp vai, đau các điểm bám gân. Một nguyên nhân nữa là do chế độ ăn không hợp lý ở người trẻ, uống nhiều rượu bia, có thể gây bệnh lý về gút, hoặc những bệnh nhân chơi thể thao không đúng, có thể gây đau cột sống thắt lưng cấp, nếu không điều trị đúng sẽ tiến triển thành đau cột sống thắt lưng mạn tính. Vấn đề nữa là do bệnh nhân đi điều trị hoặc tiêm tại những cơ sở không vô trùng dẫn tới nhiễm khuẩn khớp, những trường hợp này điều trị rất nan giải.
Bệnh cơ xương khớp trẻ hoá là mối lo ngại cho cộng đồng. Ảnh minh hoạ.
"Khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mùa lạnh, khí hậu ẩm dễ dẫn tới bệnh lý cơ xương khớp, hoặc những bệnh nhân đang có bệnh lý cơ xương khớp sẽ có những đợt tiến triển kịch phát. Vì trong ổ khớp có dịch khớp và dây chằng quanh khớp, bao khớp. Khi thời lạnh, dịch khớp khô quánh lại, mạch máu nuôi dưỡng cơ cạnh khớp giảm, co kéo các dây chằng, bao khớp để chống lại cái lạnh. Đây là nguyên nhân gây đau khớp gia tăng vào trời lạnh"- PGS. Hồng cho biết thêm.
Đông – Tây y kết hợp trong điều trị bệnh cơ xương khớp
PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh cơ xương khớp nhưng trước hết phải loại bỏ nguyên nhân gây ra bệnh xương khớp. Chẳng hạn, cân nặng cần hợp lý vì nếu lên 1kg thì mức độ chống đỡ của khớp sẽ là 3-4kg; vận động đúng cách, đúng tư thế; chơi thể thao không nên quá mức sẽ ảnh hưởng thoái hóa cột sống, thoát vị… Sau đó cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi khớp, sụn khớp. Bổ sung dinh dưỡng khớp, các dịch khớp.
Theo PGS. Hùng, y học hiện nay có nhiều kỹ thuật chẩn đoán sớm như: chụp cắt lớp (bằng hệ thống máy cộng hưởng từ) dựa vào màu sắc để biết được (xanh, đỏ, tím, vàng) độ thoái hóa. Ở mỗi loại thì điều trị ra sao, ngoài ra khi bị đau nhiều thì điều trị nội khoa. Nếu điều trị nội khoa thất bại thì tiến hành phẫu thuật khớp. Phẫu thuật khớp rất tiến bộ (với các kỹ thuật như thay khớp gối, kỹ thuật thay khớp bán phần…). Nếu như trước kia bị hỏng khớp thì phải thay toàn bộ nhưng giờ có thể thay từng phần hỏng của khớp, phương pháp này rất tốt, khuyến khích sử dụng cho người trẻ tuổi, thời gian thay chỉ 45 phút, không tổn thương dây chằng, 3 ngày có thể di chuyển được.
“Điều trị khớp thì quan trọng vẫn là nội khoa hoặc là điều trị phục hồi chức năng và kết hợp với thuốc đông y thảo dược”- PGS. Hùng nói.
Các chuyên gia trong chương trình truyền hình trực tuyến giải đáp thắc mắc của bạn đọc về Điều trị hiệu quả bệnh cơ xương khớp thường gặp.
TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam khuyến cáo, khi một người bị đau khớp thì cần khám để bác sĩ chẩn đoán xem đau khớp do nguyên nhân gì là vô cùng quan trọng đối với họ. Bởi vì có những bệnh lý về khớp phải chữa bằng y học cổ truyền (YHCT), có những bệnh lý phải chữa bằng y học hiện đại. Ví dụ như nhiễm trùng do tiêm khớp không đúng nếu không điều trị đúng thì sẽ hỏng khớp của bệnh nhân. Hoặc viêm đa khớp dạng thấp nếu được phát hiện sớm, chữa đúng bài bản, kết hợp giữa y học hiện đại và YHCT thì có thể đem lại hiệu quả tốt cho người bệnh. Hay một người bệnh thoái hoá khớp được chẩn đoán sớm có thể điều trị phục hồi được bằng thuốc đơn thuần, kết hợp giảm đau cho bệnh nhân bằng YHCT và hiện đại, và cùng với các biện pháp không dùng thuốc khác như xoa bóp, châm cứu, thuốc mát xa tại chỗ… tất cả những điều ấy cũng đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh, vấn đề là bệnh nhân phải được chẩn đoán bệnh rõ ràng.
Ngược lại nếu thoái hoá khớp không được chẩn đoán sớm và điều trị một cách đầy đủ thì nó sẽ dẫn đến những thoái hoá nặng hơn, thậm chí điều trị nội khoa không còn hiệu quả và bệnh nhân phải cần đến can thiệp ngoại khoa, tất cả những điều đó làm cho bệnh trầm trọng hơn. Thoái hoá khớp liên quan đến tuổi tác, cân nặng, và theo đông y thì “thận chủ cốt”, trong cơ thể có những đường kinh mạch mà khi trời mùa đông các kinh mạch bị tắc lại làm xuất hiện các triệu chứng đau mỏi và khi có tuổi rồi thì chức năng thận suy giảm đi, không nuôi dưỡng được khớp và dẫn đến thoái hoá khớp. TS. Cảnh khuyên bệnh nhân đừng tự ý dùng thuốc bừa bãi mà cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh khớp ngoài dùng thuốc thì y học cổ truyền có biện pháp châm cứu, khi người bệnh đang đau đớn thì biện pháp châm cứu rất tốt. Hoặc dùng các biện pháp như mát xa, chườm nóng bằng các thảo dược (ngải cứu nóng) rất tốt để giảm đau nhức ở khớp. Ví dụ một nhân viên văn phòng ngồi lâu không đúng tư thế hoặc mải mê công việc quên thay đổi tư thế, sau đó xuất hiện đau lưng, mỏi cổ, quay cổ khó… thì sử dụng biện pháp bấm huyệt, chườm các thảo dược là biện pháp hiệu quả nhất cho người bệnh.
Chú ý phòng bệnh để tránh mắc các bệnh lý cơ xương khớp. Ảnh minh hoạ.
Phòng bệnh cơ xương khớp, cách nào?
Theo PGS. Hồng, để phòng bệnh cơ xương khớp, mọi người cần thực hiện chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, lao động hợp lý, ví dụ như những người thường xuyên phải làm việc với máy tính cúi nhiều, chúng ta phải tập các động tác cổ, ngửa, nghiêng, quay, ngồi phải thẳng lưng, đôi khi chúng ta phải đứng dậy đi lại vận động để làm dịch khớp lưu thông, tránh hiện tượng quánh dịch khớp gây đau khớp. Khi dịch khớp lưu thông tốt kích thích sản xuất các thành phần khác trong ổ khớp như axit hyaluronic, glucosamin.
Với những người mắc bệnh khớp, cần dùng thuốc bổ sung các thành phần trong ổ khớp vì trong ổ khớp có nhiều thành phần như collagen, axit hyaluronic, glucosamin và một số yếu tố vi lượng khác. Cần bổ sung chất dinh dưỡng cho khớp từ sớm để tránh thoái hóa khớp tiến triển sớm. Hiện nay, có một thực trạng là có nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã bị thoái hóa khớp, vì vậy cần bổ sung dịch khớp để tránh thoái hóa khớp sau này.
Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế, những người làm văn phòng phải biết cách phòng tránh, tránh ngồi lâu, cần đổi tư thế, nghỉ ngơi mấy phút để thay đổi tư thế. Khi bị rồi thì có thể thấy mỏi do thoái hóa, sau đó là đau khớp. Và cần đi khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng.
Hiện nay có nhiều người tìm đến yoga giúp chắc khỏe cơ gân xương khớp, giảm một số triệu chứng nhức mỏi đau vai gáy cổ... Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tập luyện phải đúng cách và có hướng dẫn của chuyên gia, nếu tập không đúng cách có thể tổn thương dây chằng, dây khớp.