Hà Nội

Báo động tệ nạn “ăn bám” lễ hội

28-02-2015 11:41 | Thời sự
google news

SKĐS - Những ngày đầu xuân, nhiều người không khỏi háo hức bởi không khí lễ hội tưng bừng tràn ngập trên khắp các vùng miền trong cả nước...

Những ngày đầu xuân, nhiều người không khỏi háo hức bởi không khí lễ hội tưng bừng tràn ngập trên khắp các vùng miền trong cả nước, nhưng cũng còn không ít người e dè trước những thông tin về các tệ nạn, tiêu cực xuất hiện khắp nơi. Ðiều đáng nói là những tệ nạn, tiêu cực trong các lễ hội đã không còn xa lạ mà đã tồn tại kéo dài từ nhiều năm trước, thậm chí đội lốt, biến tướng tinh vi hơn.

Thói quen lấy may đầu năm từ cờ bạc

Ngay sau Tết Nguyên đán, cùng với nhiều lễ hội diễn ra trên khắp các vùng miền đất nước là sự nở rộ, ăn theo của tệ nạn cờ bạc, đỏ đen trá hình trong không gian tổ chức lễ hội, từ làng quê cho đến các sự kiện mang tầm vóc khu vực, quốc gia. Có đủ loại, đủ hình thức, khi là những trò chơi có thưởng: ném bóng, phi tiêu, chiếc nón kỳ diệu, chọi gà, đánh cờ...; có lúc lại là các sới bạc gần như công khai hoặc hoàn toàn công khai: xóc đĩa, tôm cua cá, đánh bài. Những ổ cờ bạc này được lập ngoài sân hội, trong khu dịch vụ vui chơi, trong cả khuôn viên các di tích đình, đền, chùa, nơi có hàng nghìn du khách, người hành hương đang tham quan, lễ bái. Ở một số lễ hội làng quê, sự rộn ràng, sôi động còn đến từ các chiếu bạc mở ngay trên đường làng, ngõ xóm, sân đình, sân chùa, thu hút đông người tham gia thâu đêm, suốt sáng, bỏ mặc lao động, sản xuất. Không ít khu vực lễ hội, mặc dù có hẳn biển đề cấm đánh bạc, nhưng các sới bạc vẫn được mở và các con bạc ngang nhiên sát phạt nhau ngay tại đó, thậm chí công khai trước mắt các cơ quan chức năng địa phương. Ðiều đáng buồn là người lớn không làm gương khiến giới trẻ cứ thế noi theo và máu đỏ đen đã trở thành một thói quen cố hữu ở một số địa phương, coi cờ bạc như một hình thức giải trí lấy may trong ngày đầu năm.

Nhiều trò chơi đỏ đen xuất hiện tại các lễ hội.

Song hành cùng tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, móc túi  đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người khi tham dự các lễ hội và đi đền, chùa đầu năm. Lợi dụng sự mất cảnh giác và tình trạng quá tải tại các lễ hội, các đối tượng trộm cắp luôn coi đây là “mùa” làm ăn và hoạt động rất mạnh. Thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP. Hà Nội cho biết, qua phân tích nhiều vụ trộm cắp cho thấy, các đối tượng trộm cắp móc túi hiện nay ngày càng tinh vi hơn. Trước đây, nếu như chúng thường hành nghề nhỏ lẻ thì hiện nay đã hoạt động theo nhóm, có nhóm lên đến hàng chục tên, rải rác khắp nơi. Thủ đoạn quen thuộc của chúng là chen lấn vào đám đông, ra sức xô đẩy những người xung quanh, tạo cơ hội cho đồng bọn ra tay, sau đó chuyền tay nhau rồi đưa về nơi tập kết. Việc hoạt động theo nhóm sẽ giúp các đối tượng tham gia hỗ trợ che chắn lẫn nhau, tuồn giấu tài sản hoặc cản trở người truy đuổi giúp đồng bọn thoát thân khi bị phát hiện. Thậm chí chúng còn thành lập một nhóm chuyên theo dõi các lực lượng chức năng để thông báo tình hình cho đồng bọn. Do vậy, việc bắt quả tang đối tượng cùng tang vật trộm cắp là khá khó khăn. Thêm một thủ đoạn mới, các đối tượng thường nhằm vào các phụ nữ trung niên hoặc những cụ già đã có tuổi. Những người này thường đeo vòng vàng, dây chuyền hoặc các loại khuyên tai. Khi làm lễ cúng bái, họ thường thành kính, cầu khẩn hết sức tập trung. Lợi dụng tình trạng chen lấn xô đẩy, các đối tượng trộm cắp thường dùng kìm bấm loại nhỏ chờ người đeo dây chuyền, vòng trang sức cúi xuống khấn là chúng bấm đứt dây, tên khác cùng bọn giả vờ cúng khấn bên cạnh sẽ nhanh tay lấy mất trong khi bị hại vẫn không hề hay biết.

Nhận thức của người dân là gốc của vấn đề

Liên quan đến tình trạng các tệ nạn xuất hiện tại lễ hội, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, chế tài xử phạt trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội chưa đủ hoặc còn quá nhẹ nên hầu như không có sức răn đe. Đó cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho các tệ nạn, tiêu cực trong các lễ hội vẫn tiếp diễn hết năm này đến năm khác mà không có “thuốc đặc trị”. Để giảm thiểu những tiêu cực trong lễ hội, ngoài việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân mới là cái gốc của vấn đề. Lễ hội vốn là một hoạt động văn hóa lành mạnh nhằm đáp ứng và nâng cao đời sống tinh thần của người dân, nhưng nếu không kịp thời định hướng và quyết liệt đẩy lùi những tiêu cực ngay từ bây giờ mà vẫn duy trì cung cách tổ chức để các tệ nạn ngang nhiên “hoành hành” thách thức các cơ quan quản lý như hiện nay thì e rằng chẳng những tác dụng của việc tổ chức lễ hội sẽ không còn mà nó còn gây hiệu ứng ngược lại. Và tất nhiên, để làm được điều này, trách nhiệm không chỉ của riêng ngành văn hóa, thể thao và du lịch mà cần có sự “chung tay” góp sức của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, đặc biệt là ý thức và nhận thức của mỗi người dân khi tham gia lễ hội.

Đề cập đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP. Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP. Hà Nội, Phòng Cảnh sát hình sự đã xây dựng kế hoạch, lên phương án phối hợp cùng các đơn vị tập trung trấn áp, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm; đấu tranh triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn cờ bạc tại các điểm diễn ra lễ hội. Phòng Cảnh sát hình sự cũng sẽ “tung” cảnh sát hóa trang vào các điểm vui chơi công cộng, tăng cường công tác tuần tra nhằm ngăn chặn, truy bắt các đối tượng cướp, cướp giật, trộm cắp, móc túi, lừa đảo, cò mồi... tại nơi công cộng. Việc siết chặt quản lý nạn cờ bạc là vấn đề cần kíp. Đặc biệt, chính quyền địa phương cùng phối hợp với cơ quan công an cần có biện pháp, hình thức xử lý tình trạng cờ bạc và nhiều hình thức biến tướng của cờ bạc để lễ hội truyền thống ngày càng trở nên đẹp, có ý nghĩa hơn.

Anh Nguyên

 

 


Ý kiến của bạn