Hà Nội

Báo động sự xuống cấp văn hóa ứng xử nơi công cộng

02-09-2019 09:12 | Pháp luật
google news

SKĐS - Những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội trong thời gian gần đây.

Không chỉ có những hành xử, lời lẽ thiếu văn hóa, đáng buồn trong xã hội đang hình thành thói quen lạm dụng vị trí, quan hệ của mình để chèn ép, đe dọa người yếu thế, thậm chí đứng trên cả pháp luật trong một bộ phận không nhỏ người có tiền, có quyền, trong đó có cả công chức, viên chức.

Thiếu văn hóa hay “không biết mình là ai?”

Mới đây nhất, hình ảnh một đại úy công an gây mất trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất với những lời lẽ thóa mạ, lăng nhục nhân viên hàng không đã khiến dư luận hết sức bức xúc. Đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy, vị cán bộ công an này đã sử dụng những lời nói thiếu văn hóa, chửi bới thô tục với nhân viên hàng không và có những hành động gây náo loạn ở sân bay chỉ vì liên quan đến việc ký gửi hành lý. Có thể sự việc đưa lên chưa phản ánh hết được bản chất vấn đề, tuy nhiên, dư luận cho rằng, kể cả vị cán bộ công an trên thật sự bị kích động từ phía đối phương như lời vị này chia sẻ sau khi sự việc lan truyền ầm ĩ thì cách hành xử như vậy đối với một người làm trong ngành công an là không thể chấp nhận được.

Vị hành khách ở khoang thương gia sau khi sàm sỡ khách ngồi bên cạnh mình bị tiếp viên hàng không lập biên bản yêu cầu xuống máy bay thì ngay lập tức lên giọng thách thức: “Mày biết tao là ai không?”.

Vị hành khách ở khoang thương gia sau khi sàm sỡ khách ngồi bên cạnh mình bị tiếp viên hàng không lập biên bản yêu cầu xuống máy bay thì ngay lập tức lên giọng thách thức: “Mày biết tao là ai không?”.

Cũng liên quan đến văn hóa ứng xử tại nơi công cộng, vụ việc vị khách tên Vũ Anh Cường (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành) ở khoang thương gia sau khi sàm sỡ khách ngồi bên cạnh mình bị tiếp viên hàng không lập biên bản yêu cầu xuống máy bay thì ngay lập tức lên giọng thách thức: “Mày biết tao là ai không? Mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?” khiến dư luận bất bình, phản ứng.

Trước đó, vào tháng 3/2019, sự việc xảy ra tại tỉnh Đăk Nông khi Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa cũng tự cho mình cái quyền “bề trên” khi luôn xưng “mày, tao” và có lời lẽ mạt sát người dân khi đi kiểm tra đất đai khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Lời lẽ của vị nữ Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường của thị xã Gia Nghĩa được dư luận đánh giá là những phát ngôn không chuẩn mực trong giao tiếp văn hóa công vụ khi thực hiện nhiệm vụ công.

Nữ cán bộ công an gây náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến dư luận “dậy sóng” trong những ngày vừa qua.

Nữ cán bộ công an gây náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến dư luận “dậy sóng” trong những ngày vừa qua.

Ứng xử nơi công cộng sao cho đúng chuẩn?

Liên quan đến hành vi ứng xử văn hóa nơi công cộng, ông Nguyễn Văn Chung - Viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM cho biết, vụ nữ cán bộ công an gây ầm ĩ trên truyền thông trong những ngày qua khi sử dụng ngôn ngữ không phù hợp thuần phong mỹ tục, thậm chí còn mang tính chất vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác không hiếm xảy ra ở nơi công cộng. Trong khi ngoài luật điều chỉnh thì các thành phố đều đã ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ công chức, viên chức... áp dụng cả trong ứng xử với cộng đồng. Việc nữ công an có lời lẽ mạt sát đối với nhân viên hàng không nhìn dưới góc độ ứng xử của người bình thường cũng có thể thấy đó là việc ứng xử quá kém. Nhiều công chức hiện nay có tí quyền, không coi ai ra gì mà quên mất mình đang là người phục vụ nhân dân.

Không chỉ Luật Công chức quy định cụ thể vấn đề ứng xử với cộng đồng mà UBND TP. Hà Nội năm 2017 cũng ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với các công chức, viên chức... Trong bản quy tắc mà UBND TP. Hà Nội ban hành năm 2017, phần ứng xử của cán bộ công chức, viên chức tại cộng đồng và khu dân cư nêu rõ: “Gương mẫu chấp hành và vận động người dân thực hiện các nội quy, quy tắc nơi công cộng; không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc”. Xét cả về văn hóa ứng xử thông thường cũng không thể chấp nhận lối giao tiếp ứng xử như thế. Nếu những vụ việc nói tục, chửi bậy nơi công cộng hoặc giao tiếp mà chính quyền và cơ quan chức năng không xử lý được thì dễ dẫn đến sự lệch chuẩn về văn hóa.

Liên quan đến vấn đề này, ở một khía cạnh khác, theo ThS. Lê Minh Tiến (Đại học Mở TP.HCM), trước đây, những người được coi là khuôn mẫu, chuẩn mực trong xã hội là tấm gương để mọi người học hỏi thường là những người lớn tuổi, có địa vị xã hội, công chức, giáo viên... Ngày nay, thay vào đó là những hình ảnh các tay giang hồ mạng và trở thành khuôn mẫu. Nhưng nên nhớ, không phải ai xem hình ảnh đó cũng có bộ lọc để nhận thức đúng, nhất là với trẻ em. Một khi không được uốn nắn, dạy dỗ kỹ lưỡng từ cả gia đình và trường học như trước đây sẽ có một bộ phận tiếp thu và tái tạo những hành vi đó trong tương lai. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người cho rằng sống là phải tranh đấu, sống là không chờ đợi, là phải vượt lên nếu không người khác sẽ chèn ép mình. Lối suy nghĩ sợ mình thua thiệt, đi tắt đón đầu làm cho người ta không biết nhường nhịn dẫn đến nhiều câu chuyện đáng buồn. Để có những con người biết cách cư xử thì ứng xử chuẩn mực phải được hình thành như một thói quen trong gia đình, trường học. Cha mẹ, thầy cô dạy dỗ trẻ bằng ngôn từ bạo lực để đạt được mục tiêu là con trẻ nghe lời thì sẽ phản tác dụng giáo dục.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn