Hàng loạt chợ đầu mối có rau mất an toàn
7/25 mẫu rau ngót phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức tối đa cho phép, chiếm 28% và 18/25 mẫu an toàn, chiếm 72%. 2/25 mẫu mướp đắng phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép, chiếm 8% và 23/25 mẫu an toàn, chiếm 92%. Đây là kết quả kiểm tra mướp đắng, rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa được Cục BVTV công bố.
![]() |
Trước những thông tin này, cũng như không ít bà nội trợ khác, chị Nguyễn Thị Hạnh (nhà 5/627 Giải Phóng) lo lắng, tôi thường xuyên nấu rau ngót, rau muống cho trẻ con ăn hàng ngày, vẫn biết lâu nay có hiện tượng rau phun tưới thuốc trừ sâu, nhưng ra chợ thấy mớ nào tươi thì vẫn mua theo cảm tính. Giờ đây, cơ quan chức năng phát hiện tỷ lệ nhiễm thuốc BVTV cao như vậy, tôi cũng không biết sử dụng loại rau gì để thay thế loại rau chế biến món ăn thường ngày cho trẻ nhỏ. Mà có thay thế thì biết độ an toàn đến đâu? Chỉ mong các cơ quan có trách nhiệm quản lý thật tốt chất lượng.
Theo các chuyên gia về trồng trọt, rau ngót là loại rau dễ trồng, cho thu hoạch quanh năm. Rau ngót thường ít sâu bệnh, chỉ có 2 bệnh đáng chú ý là bệnh muội trắng và vàng lá. Còn đối với mướp đắng, chủ yếu cũng có 2 loại sâu bệnh là sâu nhỏ và nhện đỏ. Theo quy trình an toàn, sau khi phun thuốc BVTV, phải cách ly 7 – 10 ngày nhưng có một thực tế, người trồng hoặc thiếu hiểu biết hoặc vì muốn sớm thu hoạch để bán thu tiền nên không đảm bảo được thời gian để dư lượng thuốc BVTV hết tác dụng. Việc thu hoạch sớm hơn thời gian cách ly khiến cho rau bị nhiễm dư lượng thuốc BVTV. Sau đó, tác hại của nó sau khi lên bàn ăn, vào cơ thể người thì khó có thể lường hết được.
Nhiễm thuốc BVTV bắt nguồn từ đâu?
Cục Trồng trọt thừa nhận, việc kiểm tra, giám sát của hệ thống khuyến nông chưa sâu sát đến hoạt động sản xuất của nông dân. Ở nhiều nơi, người nông dân có thói quen chưa đến ngưỡng phải phun thuốc BVTV nhưng vẫn cứ phun, vừa làm tăng chi phí, vừa gây nguy cơ an mất an toàn với nông sản.
Đáng nói là trong khi càng kiểm tra càng phát hiện vi phạm nhưng chính Cục BVTV cũng chưa biết nguyên nhân tình trạng rau nhiễm thuốc BVTV bắt nguồn từ đâu. Và đến nay, ngành nông nghiệp lại chưa có bất kỳ đề tài nào nghiên cứu về 2 loại rau này.
Cục BVTV cho biết, thời gian tới, sẽ phối hợp với các địa phương tìm hiểu xem do quy trình sản xuất chưa phù hợp hay người nông dân chưa có kinh nghiệm phòng chống các loại dịch hại trên các loại rau, củ, quả có nguy cơ cao này. Từ đó chấn chỉnh kịp thời và hướng dẫn cho người nông dân, địa phương tổ chức lại sản xuất ra những sản phẩm an toàn.
“Cục cũng đang đề xuất triển khai tổ chức lại khâu dịch vụ BVTV ở cơ sở với các mô hình tổ dịch vụ chuyên về BVTV. Những người làm trong tổ dịch vụ này phải có hiểu biết về BVTV, hướng dẫn cho người nông dân. Thông qua đó, có thể hạn chế được thuốc BVTV độc hại và kiểm soát được các công đoạn sản xuất”, Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng khẳng định.
Bài và ảnh: T.An