Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy áp dung chung cho tất cả các loại, chưa tính đến đặc thù đối tượng trẻ em
Tại hội thảo về đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới tổ chức sáng nay 27/7, tại Hà Nội, đại diện Vụ Pháp chế- Bộ Y tế cho hay hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy áp dụng chung cho tất cả các loại mũ bảo hiểm mà chưa tính đến đặc thù của đối tượng trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 6 tuổi.
"Chưa quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển nếu chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm trên xe máy; Chưa có quy định về cấm để trẻ em dưới 10 tuổi, dưới 1,35m ngồi ghế hàng trước; Chưa có quy định về biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em khi ngồi sau xe máy đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi"- đại diện Vụ Pháp chế thông tin.
Do đó chuyên gia của Vụ Pháp chế cho rằng cần bổ sung các quy định về các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ em trên phương tiện giao thông theo các thực hành quốc tế tốt nhất, bao gồm:
Đối với trẻ em khi được chở trên xe máy:
- Không để trẻ em ngồi phía trước người điều khiển phương tiện;
- Quy định biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em dưới 7 tuổi ngồi sau xe máy phải có người ngồi sau hoặc có đai/dây an toàn nối với người điều khiển xe máy, được trang bị mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn kỹ thuật dành cho trẻ em, Quy định tốc độ tối đa khi chở trẻ em dưới 4 tuổi;
Đối với trẻ em ngồi trên ô tô
- Quy định bắt buộc đối với trang bị và bố trí hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em dưới độ tuổi nhất định (10 tuổi trở xuống hoặc dưới 1,35 mét);
- Không để trẻ dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế trước
Cần sớm ban hành những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ trẻ em được chở trên mô tô xe máy
Ông Trần Hữu Minh - đại diện Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng mũ bảo hiểm cho trẻ em ngồi trên xe máy, ông Minh cho biết, vẫn còn một số "lỗ hổng" về quy định. Hiện các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hàng hải, hàng không đều chưa có quy định xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Ông Minh cũng cho biết, một số tình huống không an toàn cho trẻ nhưng trong nước hiện chưa có quy tắc giao thông rõ ràng với việc chở trẻ nhỏ (dưới 4 tuổi) trên xe máy. "Các trường hợp người lái một tay điều khiển phương tiện, một tay ôm hoặc bế trẻ; hoặc trẻ ngồi trên xe nhưng không có thiết bị giữ trẻ đều không an toàn, đang diễn ra khá phổ biến"- ông Minh nêu thực trạng.
Theo ông Trần Hữu Minh: Hiện nay Việt Nam chưa có quy tắc giao thông rõ ràng với việc chở trẻ em nhỏ (dưới 4 tuổi) trên xe mô tô xe máy. Các trường hợp người lái một tay điều khiển phương tiện, một tay ôm hoặc bế trẻ, hoặc trẻ ngồi trên xe nhưng không có thiết bị giữ trẻ đều không bảo đảm an toàn. Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam.
Do đó ông Minh đề xuất các cơ quan chức năng nên nghiên cứu để sớm ban hành những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ trẻ em được chở trên mô tô xe máy, bao gồm yêu cầu về bảo hộ (mũ thiết kế theo tiêu chuẩn cho trẻ em, thiết bị giữ trẻ an toàn trên xe máy), bổ sung các hướng dẫn khi chở trẻ em trong đào tạo sát hạch lái xe máy; bổ sung quy tắc về tốc độ khi chở trẻ em (tham khảo tốc độ không quá 40 km/h của Ấn độ…).
Tại hội thảo, đại diện của WHO cho biết, theo thống kê tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ ở người dưới 19 tuổi, có 38% tử vong là người đi bộ, 6% đi xe đạp, 14% đi xe máy, 36% là người trên xe và 7% là các trường hợp khác.
Tại Việt Nam, ở nhóm trẻ 0 - 4 tuổi, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong; nhóm 5 - 14 tuổi tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong; và đó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm 15 - 29 tuổi.
Tại hội thảo, đại diện WHO tại Việt Nam khuyến cáo về việc áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em tham gia giao thông đường bộ, gồm: kiểm soát tốc độ; thực thi nghiêm quy định không uống rượu bia khi lái xe (có các trạm đo nồng độ cồn, đánh giá độ tỉnh táo của lái xe..); không uống rượu bia khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy, xe đạp; sử dụng hệ thống an toàn trên xe cho trẻ em; giảm thiểu rủi ro cho người lái xe trẻ (cấm sử dụng điện thoại khi lái xe, nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe)..