Hà Nội

Báo động ô nhiễm đất Trung Quốc

26-04-2014 10:49 | Quốc tế
google news

SKĐS - Diện tích ô nhiễm đất tại Trung Quốc gần gấp đôi diện tích nước Pháp.

Khi nghe thông tin về ô nhiễm đất, ai cũng thờ ơ vì cảm giác nó chẳng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình. Nhưng đến một ngày, bệnh tật và thiên tai đến tàn phá cuộc sống, lúc đó may ra người ta mới phần nào ngộ ra rằng sự thờ ơ với cộng đồng đã làm hại chính mình.

Đừng hủy hoại thiên nhiên nữa.

Đừng hủy hoại thiên nhiên nữa.

Hầu như quốc gia nào cũng phải đối mặt với vấn đề đất ô nhiễm, nhưng các nước đang phát triển là nạn nhân chính của tình trạng này. Ấn Độ, Nga và Trung Quốc là những quốc gia đứng đầu danh sách 10 khu vực bị ô nhiễm tàn phá kinh hoàng nhất thế giới. Những người sống trong những khu vực này thường phải gánh chịu nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, từ hen suyễn và các bệnh liên quan đến hô hấp, tới dị tật bẩm sinh, chết yểu.

Linfen (Trung Quốc) nằm trong tỉnh Sơn Tây, trung tâm của ngành công nghiệp than, trong khi Tianjin là một trong những “căn cứ” sản xuất chì lớn nhất nước này. Tại Tianjin, người dân, đặc biệt là trẻ em đã có những triệu chứng nhiễm chì như thiểu năng, hư tổn não, hư tổn thận.

Một vùng khác cũng nằm trong top 10 là La Oroya, Peru. Khu vực khai thác kim loại nặng này đã khiến 99% trẻ em có lượng chì lớn hơn mức cho phép trong máu.

Tương tự ở Kabwe (Zambia), trẻ em chơi trong vùng đất gần nơi khai thác kim loại nặng và thanh niên thu gom kim loại cũng có lượng chì ở mức báo động trong máu, có thể dẫn tới tử vong.

Diện tích đất bị ô nhiễm tại Trung Quốc gần gấp đôi diện tích nước Pháp. Chính quyền Bắc Kinh ngày 17/4/2014 lần đầu tiên đã nhìn nhận như trên khi công bố kết quả một cuộc điều tra trước đây vẫn được giữ bí mật. Bộ Bảo vệ môi trường cho biết, trên tổng diện tích 6,3 triệu km2 được nghiên cứu - tương đương hai phần ba diện tích Trung Quốc có hơn một triệu km2 bị ô nhiễm, chiếm tỉ lệ 16,1%. Công nghiệp mỏ và nông nghiệp là hai lĩnh vực chính gây ra tình trạng xuống cấp này. Theo công trình nghiên cứu tiến hành trong 8 năm từ 2005-2013, trên 80% chất ô nhiễm có trong đất không mang xuất xứ sinh học. Cuộc điều tra mà người ta biết đến từ lâu đã gây ra nhiều tin đồn vì chính quyền Bắc Kinh năm ngoái đã từ chối công khai, cho rằng đây là bí mật quốc gia. Người dân Trung Quốc hiện rất quan tâm đến việc môi trường thiên nhiên bị xuống cấp và ngày càng khó thể chấp nhận hy sinh môi trường cho tăng trưởng bằng mọi giá. Đại đa số nguồn nước tại Trung Quốc đều đang bị ô nhiễm ở mức từ trung bình đến trầm trọng và các scandal về các vụ nguồn nước mặn bị nhiễm độc thường xuyên xảy ra. Chưa kể đến những tranh cãi về chất lượng không khí xấu đi một cách khó thể tưởng tượng, ảnh hưởng đến toàn bộ những vùng miền của nền kinh tế thứ nhì thế giới. Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đến năm 2013 mới chịu nhìn nhận sự hiện diện của các “làng ung thư”, sau rất nhiều năm có thông tin về số trường hợp bị ung thư cao hơn mức trung bình rất nhiều, tại một số vùng bị ô nhiễm nhiều nhất trên toàn quốc.

Các vùng bị ô nhiễm thường nằm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những nơi như khai thác than, kim loại. Trong danh sách 30 vùng, Nga và các nước thuộc Cộng hòa Liên bang Xô viết cũ chiếm 10, Trung Quốc 6. Không có vùng nào ở Mỹ nằm trong top 10, do kể từ những năm 1970 nước này đã ban hành luật về ô nhiễm rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, người dân ở những nước giàu có thể phải gián tiếp chịu trách nhiệm cho một vài loại ô nhiễm. Richard Fuller - người sáng lập đồng thời là Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận Viện Blacksmith cho biết: “Hầu hết lượng niken trong xe hơi và chì trong ắc quy của xe có thể xuất phát từ những nơi này. Sức khỏe của người dân sống ở những nơi đó đang bị hủy hoại. Nhưng lại không có một biện pháp nào để giải quyết vấn đề này”. Theo ông chỉ cần có những biện pháp đơn giản là có thể làm cho các vùng này an toàn hơn. Nhưng vì lý do nào đó mà chúng không được thực hiện.

Lo ngại về những nơi bị ô nhiễm càng tăng khi dân số thế giới cũng tăng lên và người dân ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng mua nhiều xe hơi và đồ điện tử hơn. Thói quen này ở những nước giàu có như nước Mỹ đã được hạn chế rất nhiều.

Lê Sơn (Theo Chinadaily, Greenpeace)


Ý kiến của bạn