Hình ảnh những đứa trẻ còn đang ẵm ngửa, chưa biết nói cười theo chân “mẹ” lê la đi khắp nẻo đường hay nhiều trẻ em đang ăn xin trên đường phố có lẽ không còn xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, thực chất không ít trong số đó là các “con rối” trong các đường dây chăn dắt trẻ ăn xin. Để trở thành “cái bang”, chúng sẽ được các ông bà chủ gom nhặt và trải qua những khóa “huấn luyện” bằng cách dạy cho các mánh lới hoặc bị làm cho tàn tật, để rồi bị lạm dụng cả về tinh thần lẫn thể chất làm “công cụ” kiếm tiền cho những đường dây chăn dắt.
Trăm đứa trẻ - Một chiêu thức
Ở nhiều thành phố lớn, không khó để tìm thấy những đứa trẻ “tàn tật” ngồi bất động trên xe lăn, được “mẹ” đẩy đi hoặc địu cheo veo trước ngực để đi bán rong kẹo, tăm, hàng xén, băng đĩa... - những món hàng có giá trị nhỏ nhưng được bán với giá cắt cổ vì chạm vào lòng thương của người khác. Thậm chí, những đứa trẻ trong độ tuổi từ 1 - 10 tuổi phải trở thành người nuôi dưỡng cho những cha mẹ ruột sống “ký sinh” trên thân xác mình, chúng bị bỏ đói, chịu rét, bị đánh đập dã man và lúc nào cũng nhem nhuốc để dễ lấy được lòng thương cảm của người đời. Dư luận đã từng dậy sóng với nhiều trường hợp, trong đó có vụ bà ngoại đem cháu đi ăn xin ở TP. Hồ Chí Minh với hoàn cảnh được vẽ lên hết sức thương tâm: không nhà cửa, phải lay lắt trên vỉa hè trong khi thân mang trọng bệnh, con gái bỏ đi, để lại cô cháu ngoại mới 2 tuổi. Thực chất con gái bà là một đối tượng “anh chị” bị đưa vào trại cải tạo vì nghiện ma túy.
Nhiều trẻ em được “huấn luyện” đi ăn xin.
Đặc biệt, sau khi bị báo chí và dư luận xã hội lên tiếng, cơ quan chức năng phanh phui nhiều vụ hành hạ, bắt trẻ em đi ăn xin, nhiều tay chăn dắt bị bắt hoặc đưa đi cải tạo, nạn chăn dắt ăn xin chỉ lắng xuống một thời gian ngắn rồi bắt đầu trở lại với cách thức tổ chức, hoạt động hoàn toàn mới, tinh vi hòng che mắt người ngoài. Theo đó, các đối tượng bảo kê không sử dụng hình thức quản lý gắt gao, bao bọc hay theo sát những người ăn xin như trước nữa. Họ đi tìm những trẻ em lang thang, người già không nơi nương tựa dụ dỗ họ “hợp tác” ăn chia. Hàng ngày, họ chở người ăn xin đến các địa bàn rồi để họ “tự do” hoạt động, đến giờ mới đến đón về. Thường thì người ăn xin phải nộp cho chủ toàn bộ số tiền kiếm được, đổi lại sẽ được trả lương hàng tháng, được cho ăn và bảo đảm địa bàn hoạt động, không bị tranh giành, không bị côn đồ trấn lột...
Trẻ bị ảnh hưởng xấu dễ rơi vào vòng xoáy tệ nạn
Trao đổi về vấn đề này, theo luật sư Trương Xuân Hải - Trưởng VP Luật Gia Bảo cho biết, các quy định về xử lý hành vi ép buộc trẻ em đi bán hàng rong đã có, tuy nhiên, việc thực hiện lại rất nhiều điều đáng bàn. Cụ thể, theo Nghị định số 91/2011/NĐ-CP, tại Khoản 3 Điều 10 quy định: “Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi”. Còn theo Khoản 1 Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi quy định, người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm... thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Luật là vậy, nhưng việc ép trẻ em đi bán hàng rong của nhiều bậc cha mẹ hoặc cha mẹ cho thuê con của mình cho những ổ nhóm tổ chức trẻ em đi ăn xin, bán rong nhằm trục lợi rất khó xử lý bởi khó có bằng chứng. Họ có “dọa” các bé sẽ không được ăn cơm, không được ngủ trong nhà, thậm chí đánh các bé nếu không bán đủ số tiền theo quy định. Họ ngụy biện rằng, con của họ thì họ muốn làm gì cũng được. Đây chính là điểm rất khó xử lý, đó là chưa kể đa số đối tượng này thường không có địa chỉ cư trú cụ thể hoặc nếu có phạt hành chính thì không chịu đóng phạt hay không có tiền để đóng...
Liên quan đến vấn đề này, TS Tâm lý học Phạm Mạnh Hà - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhận định, việc trẻ em bị trục lợi qua nạn chăn dắt ăn xin sẽ khiến cho chính các em sẽ là nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các em bị tước quyền đi học, sức khỏe kém; trí tuệ phát triển lệch lạc, nhận thức kém, những tác động xấu sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách sau này.
Một nguy cơ khác rất tai hại mà các em phải đối mặt, đó là sự lạm dụng tình dục rất dễ xảy đến, đặc biệt là các em gái. Không được học hành, cũng không nhận được sự giáo dục tử tế, bị huấn luyện cách lợi dụng tình thương từ người khác, ai biết được các em hiểu giá trị và nhân phẩm hay cách để trở thành tốt; lớn hơn là các em không rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội?
Muốn giải quyết triệt để tình trạng bóc lột trẻ em, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ chuyên trách trẻ em tại địa phương, cơ quan công an, chính quyền cùng phối hợp thành lập một đường dây nóng để người dân mạnh dạn tố cáo các hành vi ép trẻ em đi ăn xin, bán rong thì may ra tình trạng này mới giảm bớt.