Hà Nội

Báo động nghiêm trọng an ninh bệnh viện và các vụ hành hung cán bộ y tế

15-05-2017 20:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra tình trạng cán bộ y tế bị người nhà người bệnh hành hung, côn đồ xông vào bệnh viện, uy hiếp nhân viên y tế, đánh bệnh nhân làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh, đe dọa tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế và người bệnh...

Thông tin tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí chiều ngày 15/5 tại TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, TS Vương Ánh Dương- Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Bệnh viện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian qua, tại một số cơ sở khám chữa bệnh đã xảy ra nhiều vụ việc mất an ninh, trật tự như: cò mồi bệnh; trộm cắp, móc túi trong bệnh viện; người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế, gây mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh của bệnh viện và tinh thần, tính mạng, sự tận tuỵ của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế.

Theo TS Vương Ánh Dương, tính đến cuối năm 2016, cả nước có 1.365 bệnh viện (không tính các bệnh viện Quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý) với tổng số gần 254.000 giường theo kế hoạch và khoảng 339.000 giường bệnh thực kê; gần 590.000 cán bôn y tế. Hàng năm, các cơ sở y tế đã khám khoảng 159.000 lượt khám và điều trị nội trú cho 27.206 triệu lượt người. Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho người bệnh và người nàh người bệnh, nhân viên y tế luôn được Bộ Y tế, ngành y tế và toàn xã hội đặc biệt quan tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, ông Dương cũng thừa nhận bệnh viện là nơi tập trung đủ mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là các nhóm đối tượng manh động, tiêu cực từ những vụ mâu thuẫn dẫn tới đả thương hoặc các đối tượng ăn chơi mắc bệnh xã hội. Bên cạnh đó là các thành phần bất hảo trà trộn vào bệnh viện để thực hiện hành vi trộm cắp, móc túi, cò mồi khám chữa bệnh, giả danh nhân viên y tế để lừa đảo... khiến môi trường an ninh trật tự trong bệnh viện luôn “căng như dây đàn”.

Các bệnh viện có tần xuất xảy ra cao như: BVĐK Thành phố Cần Thơ xảy ra 3 vụ việc, BV Bạch Mai xảy ra 2 vụ việc. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sỹ chiếm 70% và điều dưỡng chiếm 15% số vụ việc; 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ việc xay ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh. Đặc biệt, có những vụ việc đối tượng bị hại là người bệnh, người nhà bệnh nhân như vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BVĐK quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/1/2014...

Đặc biệt từ ngày 7/4/2017- ngày Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức hội nghị về tăng cường công tác an ninh bệnh viện đã liên tiếp xảy ra các vụ việc đáng tiếc liên quan đến bạo hành nhân viên y tế và uy hiếp an ninh bệnh viện. Điển hình một số vụ việc như tối ngày 8/4/2017, tại BVĐK Cái Nước, Cà Mau một nhóm thanh niên đã mang theo dao, mã tấu, ống sắt,… đánh người bệnh là anh Nguyễn Hoàng Linh gây thương tích ở đầu và đánh nhân viên bảo vệ bệnh viện là anh Đỗ Hoàng Dũng gây chấn thương ở má trái.

Đêm ngày 16/4/2017 tại BVĐK huyện Thạch Thất, Hà Nội anh Cấn Ngọc Giang là bố của người bệnh Cấn Ngọc Thanh đã dùng cốc ném vào đầu bác sĩ Lê Quang Dương khiến BS Dương ngất tại chỗ, đầu có 2 vết thương, phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não.

Cán bộ y tế luôn phải đối mặt với nhiều tình huống bị người nhà bệnh nhân hành hung

Tối 29/4/2017 tại BVĐK Trung ương Thái Nguyên, trong khi đang chuẩn bị vận chuyển người bệnh đi chiếu chụp phim, sinh viên y khoa Phạm Lê Tùng đã bị người thân của người bệnh Bùi Thế Sơn chửi, dọa dẫm và tát liên tiếp.

Rạng sáng ngày 7/5/2017 tại BV Đại học Y Hà Nội, 3 thanh niên mang hung khí vào bệnh viện khống chế bảo vệ và nhân viên y tế và xông vào khoa cấp cứu đâm chém người bệnh là anh Đinh Giang Nam đang trong lúc được bác sĩ cấp cứu, xử trí vết thương trước đó cho người bệnh và gây nhiều thương tích trong đó có vết thương ở cổ chém đứt khí quản.

Do đó, để tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, Bộ Y tế đã có công văn số 2544/BYT-KCB gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh bệnh viện. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện một số nội dung như điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội), xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế, công khai kết luận điều tra, xét xử để công luận, người dân biết, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa.

Báo cáo về nội dung về xây dựng Bệnh viện xanh-sạch- đẹp tại hội nghị, đại diện Cục môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Tại các cơ sở y tế phải thực hiện 6 nội dung: xanh, sạch, quản lý chất thải, đẹp, tổ chức thực hiện và cộng điểm. Cụ thể, ở nội dung xanh, các cơ sở y tế duy trì trồng, bổ sung, chăm sóc cây xanh. Ở nội dung sạch, các cơ sở y tế thực hiện toàn bộ khuôn viên cơ sở y tế, các khoa, phòng, buồng bệnh, nhà vệ sinh, đường đi sạch sẽ; có đầy đủ nước uống, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; có đủ nhà vệ sinh, bồn rửa tay và xà phòng, dung dịch rửa tay cho người bệnh, người nhà người bệnh và cán bộ y tế. Ở nội dung quản lý chất thải, phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải y tế (bao gồm cả nước thải y tế) theo quy định. Ở nội dung đẹp, tại các khoa, phòng, trang thiết bị, vật dụng được bố trí khoa học, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ; trang phục của cán bộ y tế, người bệnh được cung cấp đầy đủ và đảm bảo sạch sẽ.

Cung cấp thông tin về lĩnh vực Bảo hiểm y tế (BHYT), ông Phan Văn Toàn- Phó Vụ trưởng BHYT, Bộ Y tế cho biết, Thông tư số 40/2014/TT-BYT có nhiều ưu điểm trong việc bổ sung thêm thuốc mới, bổ sung dạng dùng, mở rộng tuyến sử dụng đối với một số thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với sự phát triển của khoa học, nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ BHYT được tiếp cận thuốc điều trị tại cơ sở…

Theo đó, các nội dung và định hướng sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 40/2014/TT-BYT như: hiệu chỉnh tên thuốc; sửa đổi câu từ trong giới hạn chỉ định của một số thuốc; loại bỏ thuốc Gatifloxacin ra khỏi danh mục thuốc ban hành kèm theo Thông tư do ngừng cấp số lưu hành; giới hạn chỉ định, giới hạn bệnh viện với một số thuốc; hướng dẫn thanh toán đối với một số thuốc phối hợp giữa hợp chất có giới hạn điều kiện, chỉ định thanh toán và hoạt chất không có giới hạn điều kiện, chỉ định thanh toán; Hướng dẫn thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp đối với một số thuốc…


Thái Bình
Ý kiến của bạn