Báo động: Kháng thuốc gây ra ít nhất 700.000 ca tử vong mỗi năm và sẽ tăng lên

01-05-2019 06:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc đã gây ra ít nhất 700.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó có đến 230.000 ca tử vong do bệnh lao đa kháng thuốc, dự báo con số này có thể tăng lên 10 triệu ca tử vong/năm vào năm 2050 theo kịch bản xấu nhất nếu không có hành động can thiệp nào.

Khoảng 2,4 triệu người có thể chết ở các quốc gia có thu nhập cao trong giai đoạn 2015 đến 2050 nếu không nỗ lực lâu dài để ngăn chặn tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh.

Phải hành động ngay từ lúc này vì không còn đủ thời gian nếu không muốn bị nhiễm khuẩn kháng thuốc, đó là lời kêu gọi hành động mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (tháng 4/2019).

Kháng thuốc báo động ở các quốc gia

Theo WHO, đề kháng kháng sinh đang là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đe dọa cả một thế kỷ đã đạt được nhiều tiến bộ về sức khỏe và nhiều thành tựu của các mục tiêu phát triển bền vững. Các loại kháng sinh nói chung (bao gồm kháng sinh, kháng vi-rút, kháng nấm và kháng ký sinh trùng) là công cụ quan trọng để chống lại bệnh tật ở loài người, động vật và thực vật, nhưng chúng đang dần trở nên không còn hiệu quả.

Tình trạng kháng thuốc ở nhiều mức độ đáng báo động đã được ghi nhận ở tất cả các quốc gia trên toàn cầu, cho dù là nước giàu hay nghèo, với kết quả là các bệnh thông thường đang trở nên không thể chữa trị khỏi và các kỹ thuật can thiệp cứu sống đang có nguy cơ cao hơn khi thực hiện.

Kháng thuốc đang đặt ra một thách thức rất lớn để đạt được độ bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân và đe dọa các tiến bộ của mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm sức khỏe, an ninh lương thực, nước sạch, vệ sinh, tiêu dùng và sản xuất, và nghèo đói và bất bình đẳng.

Việc sử dụng không đúng và lạm dụng các loại thuốc kháng sinh hiện có ở người, động vật và thực vật đang thúc đẩy sự phát triển và lan truyền tình trạng đề kháng kháng kháng sinh.

Kháng thuốc gây nhiều hiểm họa cho loài người. Ảnh minh họa.

 

Không được tiếp cận đầy đủ với nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh tại các cơ sở y tế, trang trại, trường học, hộ gia đình và môi trường cộng đồng; phòng ngừa bệnh tật và phòng ngừa nhiễm trùng kém; thiếu sự tiếp cận công bằng với giá cả phải chăng và được đảm bảo chất lượng đối với các thuốc kháng sinh, vắc-xin và kỹ thuật chẩn đoán; sản xuất thực phẩm và thức ăn đảm bảo sức khoẻ yếu kém; hệ thống quản lý chất thải và an toàn thực phẩm đang làm tăng gánh nặng bệnh truyền nhiễm ở động vật và con người và góp phần vào sự xuất hiện và lây lan của mầm bệnh kháng thuốc.

Phản ứng One Health

Theo giới chuyên môn, các yếu tố thúc đẩy tình trạng đề kháng kháng sinh nằm ở người, động vật, thực vật, thực phẩm và môi trường, phản ứng “Một sức khoẻ” (One Health) là rất cần thiết để gắn kết tất cả các bên liên quan xung quanh tầm nhìn và mục tiêu chung.

Kế hoạch hành động quốc gia chống lại tình trạng đề kháng kháng sinh là trọng tâm của phản ứng đa ngành vì “Một sức khỏe”, nhưng những hạn chế về tài chính và năng lực ở nhiều quốc gia cần được giải quyết khẩn cấp để đẩy nhanh việc thực hiện.

Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng trong các cơ sở y tế và trang trại bằng các công cụ có sẵn và đảm bảo tiếp cận với nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế, trang trại, trường học, hộ gia đình và cộng đồng là hoạt động trọng tâm để giảm thiểu lây lan bệnh và nhất là ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh kháng thuốc mới nổi ở người, động vật, thực vật, thực phẩm và môi trường.

Tăng cường giám sát, khung pháp lý, đào tạo chuyên ngành và giám sát việc kê đơn và sử dụng thuốc kháng sinh, và nâng cao nhận thức của tất cả các bên liên quan cũng là những thách thức đáng kể cần được giải quyết khẩn cấp để đảm bảo sử dụng kháng sinh có trách nhiệm và giảm thiểu kháng thuốc ở người, động vật, thực vật , thực phẩm và môi trường.

Ngưng ngay việc sử dụng kháng sinh có trong danh sách các kháng sinh có mức độ ưu tiên cao nhất đối với con người của WHO với mục đích để kích thích tăng trưởng, bước đầu tiên cần thiết để loại bỏ hoàn toàn chính là việc sử dụng kháng sinh để lích thích tăng trưởng.

WHO khuyến nghị tăng cường giám sát việc kê đơn và sử dụng thuốc kháng sinh. Ảnh minh họa.


WHO cho rằng cần có thêm nhiều nỗ lực, đầu tư và khuyến khích thúc đẩy sự đổi mới trong ngành y học kháng sinh, chẩn đoán, vắc-xin, quản lý chất thải, các biện pháp thay thế an toàn và hiệu quả cho thuốc kháng sinh và thực hành thay thế, cũng như triển khai thêm nhiều nghiên cứu vận hành và thực hiện trong lĩnh vực sức khỏe con người, động vật và thực vật.

Nhiều người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với thuốc kháng sinh. Đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với giá cả phải chăng đối với kháng sinh có chất lượng, sử dụng bền vững và có trách nhiệm là một thành phần thiết yếu của phản ứng toàn cầu đối với tình trạng đề kháng kháng sinh.

Cần có sự lãnh đạo và phối hợp trách nhiệm chính trị mạnh mẽ hơn ở tất cả các cấp để có thể thực hiện phản ứng “Một sức khỏe” một cách bền vững đối với tình trạng kháng thuốc. Tất cả các bên có liên quan, từ chính phủ đến các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân cần phải tham gia và hợp tác trong một nỗ lực cao nhất trên các lĩnh vực sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi động vật, thực vật và các lĩnh vực môi trường dựa trên tầm nhìn và mục tiêu chung.

Những thách thức của tình trạng đề kháng kháng sinh rất phức tạp và nhiều mặt, nhưng không phải không thể vượt qua, việc thực hiện các khuyến nghị của WHO sẽ giúp cứu sống hàng triệu người, duy trì lợi ích phát triển kinh tế và các lợi ích khác và sẽ bảo đảm tương lai không mắc các bệnh kháng thuốc.

 

Các chuyên gia nhận định, thiệt hại đến kinh tế do tình trạng kháng thuốc không được kiểm soát có thể sánh ngang với những cú sốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 do chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên đáng kể; tác động đến sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, thương mại và kế sinh nhai; và tăng nghèo và bất bình đẳng.

Ở các nước thu nhập cao hơn, một gói các biện pháp can thiệp đơn giản để giải quyết tình trạng kháng thuốc có thể tự chi trả, nhưng ở các nước thu nhập thấp, cần bổ sung kinh phí để thực hiện nhưng vẫn còn tương đối khiêm tốn. Nếu các khoản đầu tư và hành động tiếp tục bị trì hoãn, thế giới sẽ phải trả nhiều tiền hơn trong tương lai để đối phó với tác động tai hại của việc kháng thuốc không được kiểm soát.

 


P.H
Ý kiến của bạn