Tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 19 của Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam diễn ra ngày 11-12/4/2019 tại Quảng Ninh, GS.TS Nguyễn Gia Bình đã lần đầu tiên công bố Hướng dẫn dinh dưỡng lâm sàng cho bệnh nhân nặng giúp cho công tác dinh dưỡng cho bệnh nhân được tốt hơn.
Hướng dẫn này được áp dụng cho bệnh nhân trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) bị bệnh nặng với thời gian điều trị trên 48 giờ tại các khoa Hồi sức tích cực hoặc trong các phòng bệnh nặng tại các khoa lâm sàng.
Đây là tài liệu hướng dẫn cho nhân viên y tế có liên quan đến điều trị và chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng như các bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng, dinh dưỡng tiết chế và dược sĩ lâm sàng. Việc áp dụng hướng dẫn này phụ thuộc vào hoàn cảnh bệnh lý của từng bện nhân và nguồn lực của bệnh viện, để từ đó đem đến an toàn và hiệu quả cho người bệnh.
Theo các chuyên gia, dinh dưỡng trong điều trị bệnh nhân nặng có một vai trò quan trọng vì không chỉ cung cấp năng lượng, các chất để duy trì sự sống mà còn giúp người bệnh tăng cường chức năng miễn dịch, ngăn ngừa diễn biến suy dinh dưỡng, tăng khả năng hồi phục.
Dinh dưỡng không chỉ có tác dụng nuôi bệnh nhân sống mà còn tham gia vào quá trình điều trị giúp cho bệnh nhân chóng hồi phục và hạn chế biến chứng. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
GS.TS Nguyễn Gia Bình lần đầu tiên công bố Hướng dẫn dinh dưỡng lâm sàng cho bệnh nhân nặng.
Nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của dinh dưỡng nên Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM và Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam đã phối hợp biên soạn Hướng dẫn dinh dưỡng trong điều trị bệnh nhân nặng.
Theo GS. Bình, hướng dẫn này áp dụng các khuyến cáo mới nhất về dinh dưỡng lâm sàng của Hội Dinh dưỡng tiêu hóa và tĩnh mạch, Hội Hồi sức Hoa Kỳ; Hội chuyển hóa và dinh dưỡng lâm sàng của Châu Âu và Khuyến cáo điều trị dinh dưỡng y khoa cho bệnh nhân nặng của Malaysia.
Mục đích của thiết lập bản hướng dẫn này là giúp các nhà hồi sức và dinh dưỡng lâm sàng có thể áp dụng, đồng thời có được sự thống nhất chung ở một khía cạnh trong dinh dưỡng điều trị bệnh nhân nặng. Từ đó giúp cải thiện chất lượng điều trị chung cho bệnh nhân nặng nói riêng và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nói chung.
Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn, với sự ủng hộ của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì trong thời gian tới giá viện phí sẽ có thêm phần chi trả dinh dưỡng cho bệnh nhân. Điều này sẽ mang lại hiệu quả to lớn góp phần cứu sống bệnh nhân nặng với thời gian điều trị ngắn hơn, chất lượng cao hơn và chi phí thấp hơn so với hiện nay.