Báo động: Gia tăng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Kiên Giang

19-02-2016 21:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Kiên Giang, khái niệm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vẫn chưa phổ biến trong cộng đồng. Bệnh nhân vẫn nhầm lẫn ho, khạc đàm, thậm chí khó thở vì COPD là do hút thuốc lá hay biểu hiện của tuổi già.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đã có trên 300 triệu người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - BPTNMT (COPD), trên 3 triệu người tử vong mỗi năm do COPD, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ngày càng tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Và Việt Nam có tỷ lệ mắc cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo tài liệu của WHO, có đến 90% nguyên nhân gây bệnh là do hút thuốc lá, còn 10% là do ô nhiễm môi trường.

Việt Nam hiện có khoảng hơn 3 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), 90% là do hút thuốc lá. Đây là bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị và cách phòng bệnh hiệu quả nhất là cai thuốc và sinh hoạt điều độ. Theo nghiên cứu của ông Đinh Ngọc Sĩ và cộng sự năm 2010 về BPTNMT ở Việt Nam, tỷ lệ BPTNMT trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên chiếm 4,2%; nam 7,1%; nữ 1,9%; nông thôn 4,7%; thành thị 3,3%;  tỷ lệ hút thuốc lá là 32% dân số trên 15 tuổi; yếu tố nguy cơ hàng đầu của BPTNMT là hút thuốc lá cao gấp 4 lần người không hút; đun bếp bằng củi, rơm, rạ có mối liên quan đến tỷ lệ BPTNMT và cao gấp 2 lần bằng khí đốt.

Riêng tỉnh Kiên Giang tình trạng mắc BPTNMT tăng đến mức báo động.  Nghiên cứu tình hình dịch tễ tại Kiên Giang, BPTNMT năm 2014-2015 khảo sát trên 4 vùng sinh thái tỉnh Kiên Giang : Tỷ lệ mắc BPTNMT trong vùng sinh thái  Tỉnh Kiên Giang là 8,25% ; nam chiếm 12,86%, nữ chiếm 3,3% với tỉ lệ Nam/ Nữ  4/1. Huyện Giồng Riềng (Tây sông Hậu) chiếm cao nhất 10,14%. Liên quan đến một số yếu tố nguy cơ: Hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh COPD gấp 4,54 lần (OR 4,54- 95% CI 2,65-7,77) so với người không hút thuốc : trong đó < 15 bao-năm : 1,002 lần (OR 1,002- 95% CI 0,227-4,43); 15-30 bao-năm 3,233 lần (OR 3,233- 95% CI 1,65-6,36) ; > 30 bao-năm 6,66 lần (OR 6,66 - 95% CI 3,76-11,78). Khói bếp (củi, than) trong nhà có nguy cơ mắc bệnh COPD gấp 1,741 lần (OR 1,741- 95%CI 1,089-2,784). Tại Kiên Giang, khái niệm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vẫn chưa phổ biến trong cộng đồng. Bệnh nhân vẫn nhầm lẫn ho, khạc đàm, thậm chí khó thở vì COPD là do hút thuốc lá hay biểu hiện của tuổi già. Do vậy, hầu hết trường hợp bệnh đều được phát hiện khi vào giai đoạn muộn.

Qua khảo sát thực tế mạng lưới y tế cơ sở từ huyện đến xã, Bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã trong tỉnh không có hệ thống khám sàng lọc, không có phòng khám chuyên khoa hô hấp, không có máy đo chức năng hô hấp. Chẩn đoán bệnh COPD chủ yếu dựa vào bệnh sử, khai thác triệu chứng lâm sàng, tình trạng đợt cấp của bệnh phổi mạn hoặc có giấy chẩn đoán của tuyến tỉnh. Các huyện không được cập nhật về bệnh COPD.

Như vậy đã đến lúc báo động tình hình COPD tại Kiên Giang cho năm 2015, ngành y tế cùng các chính quyền đoàn thể cùng chung tay tham gia chương trình phòng chống thuốc lá, chương trình phòng chống BPTNMT trong cộng đồng nhằm cải thiện môi trường sống, nhận thức và am hiểu BPTNMT tác hại thế nào đến sức khỏe con người để người dân biết cách phòng chống và dự phòng BPTNMT.

COPD là bệnh lý hô hấp liên tục tiến triển, gây tổn thương chức năng phổi, biểu hiện bằng triệu chứng khó thở triền miên, khiến cơ thể mệt mỏi, không có khả năng làm việc... Bệnh thường xuất hiện ở người 40 tuổi trở lên. Dấu hiệu nhận biết: ho và khạc đàm vào buổi sáng, khó thở.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiện chưa có thuốc đặc trị. Nó là nguyên nhân gây tử vong  thứ tư trên thế giới (bằng tỷ lệ tử vong vì HIV/AIDS) chỉ sau bệnh lý tim mạch, tai biến mạch máu não và ung thư. Căn bệnh này ngày càng gia tăng, nhanh nhất tại các nước đang và kém phát triển.

Nếu bệnh nhân được làm hô hấp ký thì có thể phát hiện ra bệnh trước khi có triệu chứng nhiều năm, nhằm ngăn ngừa bệnh tiến triển. Việc ngăn ngừa và điều trị chủ yếu dựa vào cai thuốc lá, chẩn đoán phát hiện sớm, dùng thuốc giãn phế quản Tiotropium-Spiriva, loại thuốc hỗ trợ hô hấp trong điều trị căn bệnh này được WHO công nhận. Ngoài ra, cần có các phương pháp điều trị hỗ trợ như vật lý trị liệu phục hồi chức năng, chế độ dinh dưỡng phù hợp.


BS CK II Nguyễn Văn Hùng –Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, Trưởng phòng quản lý Hen – COPD Kiên Giang
Ý kiến của bạn