Hà Nội

Báo động: Gần 60% - 71% bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường chưa được chẩn đoán

15-06-2019 16:19 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS -Theo kết quả nghiên cứu quốc gia của Bộ Y Tế, tại Việt Nam tỷ lệ tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56,9%, tỷ lệ này ở đái tháo đường lên đến lên đến 69,9%; về quản lý bệnh, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86,4%, tỷ lệ này ở đái tháo đường là 71,1%.

Sáng 15-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Chương trình Sinh hoạt y khoa Pháp-Việt lần thứ 23. Năm 2019 là năm thứ 23 của Chương trình sinh hoạt Y khoa Pháp-Việt với chủ đề “Tối ưu hóa quản lý bệnh tăng huyết áp và tiểu đường: Vai trò thiết yếu của sự kết hợp giữa điều trị và giáo dục”.

77% số ca tử vong trên toàn quốc là bệnh không lây nhiễm

Phát biểu tại buổi sinh hoạt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển và hội nhập cùng cộng đồng quốc tế, bên cạnh việc đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt thì mô hình bệnh tật ở Việt Nam cũng đang có sự thay đổi.

"Việt Nam phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép: Bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc. Đây là một thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam"- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại chia sẻ thông tin tại buổi sinh hoạt y khoa Pháp- Việt

Thông tin tại chương trình cho biết, các bệnh lý không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường là những nguyên nhân hàng đầu của tử vong, tàn tật và gánh nặng y tế. Cụ thể tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu quốc gia của Bộ Y tế, năm 2015

Cụ thể tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu quốc gia năm 2015 của Bộ Y Tế, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56,9%, tỷ lệ này ở đái tháo đường lên đến lên đến 69,9%; về quản lý bệnh, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86,4%, tỷ lệ này ở đái tháo đường là 71,1%.

Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế; người bệnh chưa tuân thủ điều trị; nhận thức và năng lực của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt hoạt động khám, phát hiện sớm bệnh, điều trị tập trung chính vào cung cấp thuốc, chưa thực hiện các tư vấn, can thiệp về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tư vấn về tuân thủ điều trị...Đây là thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường ở Việt Nam.

Bước tiến lớn trong sự hợp tác về y tế sức khỏe giữa Việt Nam và Pháp

Để có thể đồng hành cùng bệnh nhân và gia đình họ trong cuộc chiến chống lại những căn bệnh này, hướng tới mục tiêu dài hạn là tiết kiệm chi phí cho chính bệnh nhân cũng như Bảo hiểm xã hội, dự án “Ngày đầu tiên” đã được khởi xướng vào năm vào ngày 17/5/2016 dưới sự điều hành của Hội Tim Mạch Việt Nam, Hội Nội Tiết - Đái Tháo Đường Việt Nam.

Dự án mang tính cải tiến ở điểm tập trung vào vấn đề cốt lõi là các yếu tố trong môi trường sống của bệnh nhân (gia đình, bạn bè, bác sĩ, điều dưỡng, v.v…), từ đây nâng cao nhận thức của họ về các bệnh lí không lây nhiễm, từ đó giúp bệnh nhân có thể được chẩn đoán sớm hơn, xây dựng một lối sống tập trung vào việc quản lý tình trạng bệnh một cách lâu dài. Tất cả các thông tin của dự án trước khi đưa đến bệnh nhân, người dân đều được thẩm định bởi đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của hai Hiệp Hội.

Đồng thời Dự án Ngày đầu tiên cũng giúp thu thập được dữ liệu đáng tin cậy từ các bệnh nhân, dữ liệu này giúp các ban ngành y tế sẽ hiểu rõ hơn về đặc điểm của bệnh nhân Việt Nam, từ đó, có những định hướng rõ hơn về chiến lược quản lí bệnh lí này.

Xét nghiệm đường huyết sớm bệnh đái tháo đường

Không chỉ là nguồn mang đến thông tin trực tuyến chất lượng cho bệnh nhân và gia đình, dự án Ngày Đầu Tiên đang thực hiện một bước tiến xa hơn là đưa chương trình đến với các bệnh viện thông qua những góc tư vấn riêng. Các góc tư vấn là một phần tích hợp trong quy trình chăm sóc bệnh nhân: Bác sĩ điều trị sẽ giới thiệu với các bệnh nhân về góc tư vấn này để họ tự tìm đến và tiếp nhận tư vấn từ các điều dưỡng viên có chuyên môn trong  việc quản lý các bệnh lí không lây nhiễm. Từ đây, điều dưỡng viên sẽ phân tích tình trạng bệnh, giải thích kết quả chẩn đoán và cung cấp trực tiếp lẫn trực tuyến các công cụ giúp bệnh nhân và người thân quản lý bệnh một cách phù hợp.

Với những hoạt động được xây dựng từ năm 2016 - 2018, với đánh giá từ PWC (một tổ chức kiểm toán uy tín thế giới), dự án Ngày đầu tiên đã giúp tiết kiệm đến 3,5 triệu USD cho bệnh nhân và Bảo hiểm xã hội. Tiếp nối với thành công trên, dự án Ngày Đầu Tiên sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên đến 200 góc tư vấn trong vòng 2 năm tới (2019 – 2020) trên toàn quốc. Khoản đầu tư chưa từng có tiền lệ này của Pháp dành cho Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong sự hợp tác về y tế sức khỏe giữa hai quốc gia.

Đang triển khai thí điểm chương trình phát hiện sớm các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để phòng chống và hạn chế các bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh tim mạch và tiểu đường nói riêng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” với 11 giải pháp, trong đó có 4 giải pháp đang được triển khai tích cực, bao gồm: Dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phòng chống tác hại thuốc lá và phòng chống tác hại rượu bia.

Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng đang triển khai thí điểm chương trình phát hiện sớm các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư.

“Bên cạnh đó, ngành y tế Việt Nam cũng chú trọng tới các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường sức khỏe, gắn với y tế cơ sở ở xã, phường, quận, huyện; đổi mới cơ chế tài chính, tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp tại trạm y tế

Trong những năm qua, các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực y tế ngày càng được tăng cường và mở rộng. Chương trình Sinh hoạt y khoa Pháp-Việt là một trong những hoạt động hợp tác có chiều sâu, nhằm cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức cho các thầy thuốc Việt Nam và cũng là dịp để các giáo sư, bác sĩ đầu ngành hai nước gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các kiến thức mới trong phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm nay, Chương trình Sinh hoạt Y khoa Pháp – Việt sẽ bàn thảo về một  mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm có tính khả thi và hiệu quả  cao có tên là "NGÀY ĐẦU TIÊN" được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2016.

“Đây là mô hình sáng tạo với tổ hợp các hoạt động khép kín theo vòng đời nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân gồm: tầm soát phát hiện bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường sớm, đào tạo phương pháp tư vấn mới cho y bác sĩ, đào tạo trực tuyến cho đội ngũ điều dưỡng, giáo dục bệnh nhân qua website. Đây là dự án phi lợi nhuận được sự bảo trợ của cộng đồng Pháp ngữ, Hội Tim mạch và Đái tháo đường quốc gia. Tôi hy vọng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng và học hỏi bởi cả hai bên”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn