“Báo động đỏ”: Siêu cấp cứu thắng tử thần

12-07-2013 21:40 | Tin nóng y tế

Ngày 8/7, sự kiện Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 áp dụng Quy trình Báo động đỏ, cứu sống hai cháu Phụng và Lợi - nạn nhân trận cuồng sát dã man đã đem lại niềm vui vô bờ bến cho gia đình hai cháu, đồng thời minh chứng tấm lòng hết mình với người bệnh dù chỉ còn một tia hy vọng mong manh.

Ngày 8/7, sự kiện Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 áp dụng Quy trình Báo động đỏ, cứu sống hai cháu Phụng và Lợi - nạn nhân trận cuồng sát dã man đã đem lại niềm vui vô bờ bến cho gia đình hai cháu, đồng thời minh chứng tấm lòng hết mình với người bệnh dù chỉ còn một tia hy vọng mong manh. Quy trình Báo động đỏ là gì? Có thể được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc? Phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1 - người xây dựng và  triển khai quy trình này tại BV trong hơn 3 năm qua.

“Báo động đỏ”:  Siêu cấp cứu thắng tử thần 1Để cứu sống người bệnh, các thầy thuốc phải chạy đua cùng thời gian.       Ảnh: TM

PV: Ông có thể cho biết cụ thể về Quy trình Báo động đỏ, việc áp dụng quy trình này có khó khăn gì, đòi hỏi những yếu tố gì? Trong quá trình áp dụng, theo ông đâu là yếu tố then chốt để quy trình phát huy hiệu quả cao nhất?

TS. Tăng Chí Thượng: Quy trình Báo động đỏ cho phép bác sĩ bỏ qua các giai đoạn như hội chẩn, xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh... theo những qui trình chuyên môn bình thường mà chuyển thẳng bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên ngay phòng mổ. Nếu không áp dụng Quy trình Báo động đỏ, nhanh nhất cũng mất khoảng 30 phút. Trong khi đó, nếu phát lệnh báo động đỏ, huy động tốc lực tối đa thì trong vòng chưa tới 5 phút, khi bệnh nhân được đẩy thẳng lên phòng mổ là tất cả đã sẵn sàng. Quy trình Báo động đỏ đã được Bệnh viện Nhi Đồng 1 triển khai từ 3 năm qua, đảm đương cấp cứu vào thời điểm ngoài giờ làm việc của ca chiều, tập trung đồng thời các ê-kíp gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu... Các bác sĩ trong quy trình phải luôn mở điện thoại 24/24 giờ, khi nhận được tín hiệu báo động, không cần biết là thời gian nào, đang ở đâu, không cần hỏi han dài dòng về tình trạng nhập viện của bệnh nhân, phải ngay lập tức có mặt tại phòng mổ. Nếu không xây dựng và ban hành qui trình này thì các bác sĩ cấp cứu khi tiếp nhận bệnh nhân cũng sẽ tích cực cấp cứu hồi sức nội khoa, nhưng các bước tiếp theo có thể bị chậm hơn như phải hội chẩn bác sĩ ngoại khoa, làm siêu âm, Xquang, làm các xét nghiệm và chờ kết quả xét nghiệm, chờ phòng mổ báo mới chuyển bệnh nhân... Mặc dù cũng khẩn trương, tích cực cấp cứu cho bệnh nhân nhưng nhiều trường hợp rất nguy kịch do sốc mất máu nặng có thể không qua khỏi nếu không được can thiệp ngoại khoa kịp thời.

Quy trình Báo động đỏ của BV là xử trí cấp cứu tối khẩn cấp, áp dụng cho những trường hợp cấp cứu cần can thiệp ngoại khoa mới hy vọng cứu sống được người bệnh. Để áp dụng thành công quy trình này đòi hỏi một số nguyên tắc quan trọng như: khả năng chẩn đoán lâm sàng nhanh của các bác sĩ trực cấp cứu và xử trí hồi sức; khả năng vừa vận chuyển bệnh nhân từ khoa cấp cứu đến phòng mổ của bệnh viện, vừa tiếp tục hồi sức tích cực trên đường vận chuyển; huy động sự tham gia vừa khẩn trương vừa đồng bộ của các khoa phòng khác: Khoa Ngoại, Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Xét nghiệm, Ngân hàng máu, siêu âm, Xquang, lực lượng bảo vệ của bệnh viện... Một trong những điểm quan trọng của qui trình là phân quyền cho bác sĩ khoa cấp cứu về phát lệnh “báo động đỏ”...

PV: Các bệnh viện muốn áp dụng quy trình trên cần chuẩn bị nhân tố con người và hạ tầng kỹ thuật ra sao? Quy trình này có được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển không, thưa ông?

TS. Tăng Chí Thượng: Phân tích cho thấy Qui trình Báo động đỏ không phải là một qui trình đòi hỏi sử dụng những kỹ thuật cao mà là đòi hỏi sự phối hợp một cách khẩn trương và nhịp nhàng của các khoa phòng trong bệnh viện, do đó qui trình này hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả các bệnh viện có khả năng can thiệp cấp cứu ngoại khoa. Do tình cờ thấy được qui trình này tại Bệnh viện nhi ở Melbourn (Australia) và tính ưu việt của nó trong cấp cứu bệnh nhân nên tôi vận dụng triển khai, còn các nước khác thật sự tôi cũng không rõ.

“Báo động đỏ”:  Siêu cấp cứu thắng tử thần 2TS. Tăng Chí Thượng tặng quà cho hai bé Phụng và Lợi.

Nếu không xây dựng và ban hành qui trình này thì các bác sĩ cấp cứu khi tiếp nhận bệnh nhân cũng sẽ tích cực cấp cứu hồi sức nội khoa, nhưng các bước tiếp theo có thể bị chậm hơn như phải hội chẩn bác sĩ ngoại khoa, làm siêu âm, Xquang, làm các xét nghiệm và chờ kết quả xét nghiệm, chờ phòng mổ báo mới chuyển bệnh nhân... Mặc dù cũng khẩn trương, tích cực cấp cứu cho bệnh nhân nhưng nhiều trường hợp rất nguy kịch do sốc mất máu nặng có thể không qua khỏi nếu không được can thiệp ngoại khoa kịp thời.

PV: Vậy những ca bệnh nào ông thấy ấn tượng nhất khi áp dụng quy trình này ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM?

TS. Tăng Chí Thượng: Có 4 trường hợp được bệnh viện sử dụng báo động đỏ và cho kết quả tốt ngoài mong đợi. Tôi thật sự ấn tượng với các trường hợp sau: Một cháu được chuyển đến từ BV Tiền Giang trong tình trạng sốc nặng, da trắng bệch do xuất huyết nội do tai nạn trong tình trạng vỡ gan. Kế đến là hai cháu nhỏ bị đâm nhiều nhát dao oan nghiệt mà gia đình nghĩ rằng không thể cứu được vì khi đưa vào bệnh viện, hai cháu đã rơi vào tình trạng tối nguy kịch. Và gần đây là một trường hợp bị sốc mất máu nặng sau khi được nội soi cắt polyp dạ dày nhưng không may polyp có mạch máu lớn nên chảy máu dữ dội, không cầm sau cắt. Tất cả các trường hợp này đều được áp dụng Quy trình Báo động đỏ và tất cả các cháu hồi phục rất tốt, đã xuất viện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Yến Châu (thực hiện)

Ngày 25/6, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận hai bé Phụng và Lợi bị thương trầm trọng do bị cuồng sát, nhiều bộ phận trong cơ thể bị tổn thương. Bé Lợi bị thủng đại tràng, ruột non và hoại tử 30cm ruột non, thận bị đâm xuyên thấu; còn bé Phụng, ruột non và đại tràng bị thủng nhiều chỗ, cơ hoành và dạ dày bị thủng, rách gan, đứt gân hai bàn tay... Mỗi bé cần đến hơn 3 giờ phẫu thuật và truyền hơn 1.000ml máu, nhưng cả hai đều qua khỏi.



Ý kiến của bạn