Báo động đồ chơi bạo lực ‘bao vây’ trẻ em trước thềm Tết Trung thu

25-08-2022 09:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Gần đến Tết Trung thu, thị trường đồ chơi trẻ em lại trở nên sôi động, trong đó có vô số loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồ chơi mang tính bạo lực như đao, kiếm, súng...

Hiểm họa nhiễm độc chì từ đồ chơi trẻ emHiểm họa nhiễm độc chì từ đồ chơi trẻ em

SKĐS - Với các gia đình có con nhỏ, trong rổ đồ chơi của con không thể thiếu những món đồ chơi bằng nhựa và màu nước. Thế nhưng không mấy ai biết, khi trẻ tiếp xúc với các đồ chơi này, nguy cơ nhiễm độc chì rất cao.

Súng, đạn tràn lan từ chợ thật tới chợ "ảo"

Theo khảo sát của PV báo Sức khỏe&Đời sống, khi vào bất cứ quầy hàng đồ chơi trẻ em nào cũng dễ dàng bắt gặp các đồ chơi trẻ em bạo lực được bày bán công khai. Chỉ cần bỏ ra từ vài chục nghìn đồng là có thể sở hữu những sản phẩm đồ chơi hình gươm, kiếm, súng, lựu đạn, các viên đạn nhựa... Tại một số vỉa hè cũng bày bán nhiều loại đồ chơi bạo lực với giá dao động từ 15.000-55.000/bộ với hình thức bắt mắt thu hút các khách hàng nhí.

Còn trên "chợ" internet, chỉ với từ khóa "đồ chơi súng đạn", trong vài giây, người dùng dễ dàng tìm kiếm và có hàng triệu kết quả đồ chơi mang tính bạo lực thế này. Phương thức giao dịch chủ yếu là qua mạng xã hội hoặc qua điện thoại để qua mặt lực lượng chức năng. Các loại súng được rao bán đa phần là súng đồ chơi có hình dạng súng quân dụng, súng ngắn bắn đạn nhựa. 

Đồ chơi bạo lực "bao vây" trẻ em trước thềm Tết Trung thu - Ảnh 2.

Không khó để tìm thấy các loại đồ chơi bạo lực trong các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em.

Điều nguy hiểm là các loại súng này sử dụng khí nén, kích thước đạn lớn, lực bắn rất mạnh, có khả năng gây sát thương đối với người bị bắn. Đây là những mặt hàng cấm và được khuyến cáo không nên cho trẻ em sử dụng nhưng vì lợi nhuận, các cửa hàng kinh doanh vẫn nhập và bày bán các mặt hàng này.

Mới đây, tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã thu giữ số lượng lớn đồ chơi nguy hiểm. Cụ thể, tại tổ 17 Phú Lương (quận Hà Đông), lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện trên 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình súng là loại đồ chơi kích động, bạo lực, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 

Đồ chơi bạo lực "bao vây" trẻ em trước thềm Tết Trung thu - Ảnh 3.

Nhiều đồ chơi bạo lực được bày bán công khai.

Trước đó, lượng chức năng TP.Hà Nội cũng thu hơn 2.500 sản phẩm đồ chơi mô hình súng bằng nhựa do nước ngoài sản xuất, tại cửa hàng kinh doanh tại quận Đống Đa. Các lô đồ chơi được phát hiện trong những vụ việc nêu trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được chứng nhận chất lượng và không có hóa đơn chứng từ và chúng đều nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực, không được tiêu thụ trên thị trường. Bởi theo quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành thì mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường.

Đồ chơi bạo lực ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ

Để làm rõ tính chất độc hại của các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) phân tích, những loại đồ chơi này thường được làm từ nhựa tái chế. Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người bởi nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không được làm sạch nên trong quá trình nhựa hóa, các hóa chất đọng lại sẽ khuếch tán ra ngoài.

Đồ chơi bạo lực "bao vây" trẻ em trước thềm Tết Trung thu - Ảnh 4.

Từ súng tới đạn đều đủ cả.

Đặc biệt, đối với đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, đây là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn là rất cao nếu trẻ ngậm, ôm đồ chơi. Sở dĩ, chất phthalate được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành của nó rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Để cạnh tranh giá nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chất này để sản xuất đồ nhựa giảm giá thành.

Nhựa tái chế sẽ không thể đẹp như nhựa nguyên sinh do đó bắt buộc người sản xuất phải cho phẩm màu để che đi khuyết điểm của sản phẩm. Dung dịch màu đó không phải là màu thực phẩm mà là màu dành cho ngành công nghiệp. Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn thiện của trẻ. Vì vậy, sản phẩm đồ chơi có màu sắc càng sặc sỡ thì mức độ nguy hại càng cao.

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, PGS.TS.Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN cho rằng, tất cả những đồ chơi mang khuynh hướng bạo lực đều ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của các con. Nó ảnh hưởng thế giới quan cũng như cách thức mà đứa trẻ ứng xử với thế giới. Cũng như các bộ phim bạo lực nếu có nhiều trường hợp anh hùng mà lại được khuyến khích bởi những hành động rất bạo lực thì chúng ta cũng nhìn thấy ảnh hưởng hành vi ứng xử của chính đứa trẻ trong môi trường học đường.

Đồ chơi bạo lực "bao vây" trẻ em trước thềm Tết Trung thu - Ảnh 5.

Số hàng hóa bị cơ quan chức năng phát hiện đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

PGS.TS.Trần Thành Nam cho biết, tại sao trong thời gian gần đây có rất nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau sử dụng hung khí. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng nó liên quan đến các biểu tượng nữ anh hùng xuất hiện trên màn ảnh và sử dụng hành động bạo lực để thu hút, trở thành thần tượng của giới trẻ.

"Khi chúng ta biết các con đang tiếp cận với đồ chơi bạo lực thì chúng ta cần có cách ứng xử phù hợp. Những dạng đồ chơi như thế này các con chỉ sử dụng trong một số hoàn cảnh nhất định chứ không sử dụng trong tình huống thực tế. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần khuyến cáo các con nếu đưa những đồ chơi này lên mạng thì bản thân sẽ gặp các rắc rối như thế nào…" .

Khi đưa trẻ đi mua đồ chơi, các bậc phụ huynh cũng cần thông thái hơn trong việc lựa chọn đồ chơi Trung thu cho con em mình, đừng vì tâm lý "trẻ chơi được vài ngày sẽ chán" mà ham rẻ hoặc chủ quan. Hãy kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm đó đã được kiểm định về an toàn chất lượng chưa, có phù hợp với lứa tuổi, hay ngoài mang tính giải trí nó còn có khả năng giáo dục gì không.

Để bảo vệ trẻ em khỏi ảnh hưởng bởi đồ chơi bạo lực dịp Tết Trung thu, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các địa phương chú trọng bảo vệ sức khỏe trẻ em nhất là vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm; bảo vệ trẻ em khỏi ảnh hưởng bởi những sản phẩm, đồ chơi, trò chơi có tính bạo lực, phản giáo dục, kém chất lượng, độc hại, nguy hiểm, không phù hợp với trẻ em.

Đồ chơi trẻ em nhiễm độc chì: Tương lai “xám” từ những sắc màuĐồ chơi trẻ em nhiễm độc chì: Tương lai “xám” từ những sắc màu

SKĐS - 37.5% số mẫu đồ chơi được lấy tại các trường mầm non có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép trong đó các mẫu đồ chơi gỗ được sơn nhiều màu sắc có nguy cơ mất an toàn chì cao hơn. Những màu sắc sặc sỡ của đồ chơi đang tạo nên một bức tranh “màu xám” ảm đạm cho tương lai trẻ nhỏ.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn