Báo động đạo đức người thầy

26-04-2019 07:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Liên tiếp những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra thời gian qua khiến dư luận vô cùng bức xúc...

Câu chuyện nâng điểm, sửa điểm chưa có hồi kết thì chuyện giáo viên bị tố làm học sinh mang thai, rồi chuyện thầy cô cùng vào nhà nghỉ “chữa sốt rét” được phơi bày... Điều này khiến dư luận đang đặt ra sự hoài nghi với vấn đề đạo đức nhà giáo hiện nay.

Theo các chuyên gia xã hội học, cho dù các vụ việc không phải là số đông đi chăng nữa nhưng chúng ta thấy rằng những sự kiện đó liên tục diễn ra thì người ta buộc lòng nhìn lại đạo đức của người thầy, những người làm nghề từ xưa đến nay luôn được coi là nghề cao quý.

Từ xa xưa, người thầy vốn được coi là một chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo, là “kiến trúc sư trí tuệ” tạo ra thế hệ tương lai của dân tộc. Liệu rằng thế hệ tương lai sẽ phát triển nhân cách ra sao khi trong môi trường giáo dục có những người thầy vi phạm đạo đức nhà giáo như hiện nay?

Thực tế trong cuộc sống, các thầy cô là những tấm gương để không chỉ các em học sinh mà cả các tầng lớp nhân dân nhìn vào để học hỏi, noi theo, nhưng nhiều thầy cô không gương mẫu trong công việc, thậm chí có hành vi rất phi đạo đức như thế thì không thể chấp nhận được.

Cũng theo các chuyên gia xã hội học, nếu chúng ta không chú ý tới giáo dục đạo đức lối sống, rèn luyện thường xuyên trong đội ngũ giáo viên thì chắc chắn các vụ việc tương tự sẽ không còn dừng lại.

Thật khó có thể lường được hậu quả tác động của việc giáo dục và đạo đức nhà giáo tác động ra sao tới thế hệ tương lại của đất nước. Nhưng chắc chắn rằng, dư luận hay các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục có chung nhận định cần phải có sự thay đổi, chấn chỉnh vấn đề đạo đức nhà giáo một cách kịp thời.

Trước hàng loạt các vụ vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường,  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa kêu gọi đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo chung tay xây dựng trường học hạnh phúc với các giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, với mục đích nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục. Xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Cùng với sự mạnh tay của ngành giáo dục và sự giám sát của dư luận, hy vọng trong thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục phát huy vai trò trong lĩnh vực giáo dục, nhưng quan trọng hơn, mỗi thầy cô cần tự ý thức nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Cùng chung tay đấu tranh loại bỏ những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.


Gia Linh
Ý kiến của bạn