Hà Nội

Báo động bệnh lý tim mạch trong cộng đồng

10-09-2024 21:29 | Y tế
google news

Năm 2010, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch mạn tính ở người trưởng thành là khoảng 4%, tương đương với khoảng 3,4 triệu người. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên gần 8%, tương đương với hơn 7 triệu người, gấp đôi so với một thập kỷ trước.

Báo động bệnh lý tim mạch trong cộng đồng- Ảnh 1.

Đó là ý kiến của PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 tại Hội nghị Công tác chỉ đạo tuyến và cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch.

Trong 10 năm qua, tình hình bệnh lý tim mạch tại Việt Nam có nhiều biến động đáng chú ý. Đây là một sự gia tăng đáng báo động, phản ánh xu hướng phát triển nhanh chóng của bệnh lý tim mạch trong cộng đồng.

Đáng chú ý, tỷ lệ người mắc bệnh lý tăng huyết áp, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch, cũng đã tăng từ 16% lên 26% trong cùng thời gian này.

Nguyên nhân của sự gia tăng này xuất phát từ nhiều yếu tố như lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, gia tăng tình trạng béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường. Bên cạnh đó, sự gia tăng tuổi thọ trung bình và áp lực cuộc sống ngày càng cao cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.

Báo động bệnh lý tim mạch trong cộng đồng- Ảnh 2.

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý tim mạch không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Các nghiên cứu cho thấy, việc phát hiện và can thiệp sớm có thể giảm tới 50% nguy cơ tử vong do các biến cố tim mạch.

"Bệnh viện 19-8 đã không ngừng nỗ lực để trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật mới và tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch", PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền nhấn mạnh.

Vị Giám đốc Bệnh viện 19-8 cũng cho biết thêm, khoa Nội tim mạch của đơn vị này hiện cơ bản thực hiện được các kỹ thuật cao trong chuyên ngành, cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Bệnh viện cập nhật các kỹ thuật cao hàng đầu từ các trung tâm y khoa lớn tại Việt Nam và thế giới như đốt RS điều trị rối loạn nhịp tim, lập bản đồ 3D điều trị rối loạn nhịp phức tạp... Năm 2024, bệnh viện triển khai kỹ thuật đặt stent graff động mạch chủ cấp, đây là bệnh lý rất nguy hiểm.

Mới đây bệnh viện cấp cứu thành công nam bệnh nhân nhồi máu cơ tim, vào viện với tình trạng ngừng tim. Các bác sĩ trực cấp cứu lập tức bật báo động đỏ, tiến hành hồi sức tim mạch, khi bệnh nhân có nhịp tim trở lại liền được đẩy vào phòng can thiệp đặt 2 stent. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân ra viện, tiếp tục tái khám theo hẹn.

Theo TS.BS Dương Hồng Niên, Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện 19-8, theo xu thế chung, tỷ lệ người mắc bệnh lý tim mạch đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng. Hằng ngày, khu vực phòng khám tiếp nhận 200-300 bệnh nhân đến khám với nhiều bệnh khác nhau, trong đó chủ yếu là tăng huyết áp, hội chứng mạch vành cấp và mãn tính…

Báo động bệnh lý tim mạch trong cộng đồng- Ảnh 3.

Đáng chú ý là trong các ca nhồi máu cơ tim nhập viện cấp cứu, có trường hợp mới ngoài 20 tuổi. Điều đó cho thấy bệnh lý tim mạch đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa.

Theo chuyên gia, nhờ đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy can thiệp mạch, thiết bị đốt rối loạn nhịp tim, máy tạo nhịp… Khoa đã có thể cấp cứu kịp thời nhiều ca bệnh nặng, không phải chuyển lên tuyến trên. Hơn 10 năm nay, Khoa cũng đã triển khai các kỹ thuật can thiệp mạch.

Cũng tại Hội nghị "Công tác chỉ đạo tuyến và cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch", nhiều bài báo cáo cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch từ các chuyên gia, đơn vị tim mạch đầu ngành như Viện Tim mạch Việt Nam cũng được chia sẻ tại Bệnh viện 19-8.

PV


Ý kiến của bạn