Hà Nội

Báo động an toàn đường sắt: Có thể lường trước sao vẫn gặp nạn?

13-03-2015 07:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Cách đây không lâu, báo Sức khỏe&Đời sống đã có phóng sự ảnh cảnh báo nguy cơ tai nạn do người dân cố tình vượt rào chắn, chủ quan ở những nút giao đường sắt, đường bộ.

Cách đây không lâu, báo Sức khỏe&Đời sống đã có phóng sự ảnh cảnh báo nguy cơ tai nạn do người dân cố tình vượt rào chắn, chủ quan ở những nút giao đường sắt, đường bộ. Và những tai nạn thực tế gần đây cũng bắt nguồn từ nguyên nhân như vậy.

Sau gần 24 giờ xảy ra tai nạn giữa tàu hỏa SE5 và ôtô tải ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, lúc 21 giờ 25 tối 11/3, công tác cứu hộ, giải tỏa hiện trường đã hoàn tất, chính thức thông tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Các lực lượng tập trung cứu hộ tàu hỏa bị nạn.

Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng ngày 10/3 vừa qua, khi tàu SE5 kéo theo 14 toa với 583 hành khách lưu thông theo hướng Bắc - Nam, tông trực diện vào xe tải 75C-03199 kéo theo rơ-moóc đang băng qua đường ngang. Cú tông quá mạnh khiến chiếc xe tải đứt đôi, đầu máy SE5 bị đứt lìa với các toa. 3 toa của tàu SE5 gồm 1 toa phục vụ hành khách nằm chắn ngang đường sắt, 2 toa chở khách văng khỏi đường ray. Vụ tai nạn khiến đầu máy tàu SE5 bị nát bét ở buồng lái, lái tàu Lê Minh Phú tử vong tại chỗ; lái phụ tàu Hồ Ngọc Hải (32 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình), tài xế xe tải cùng 1 hành khách bị thương.

Chiều tối 11/3, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nhiều vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy rất đáng báo động về tình trạng này. Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2015, trên đường sắt đã xảy ra 86 vụ tai nạn, trong đó, 82 vụ do yếu tố khách quan, làm chết 37 người và 48 người bị thương. “Đây là vấn đề nhức nhối và đã báo động từ lâu. Hầu hết các vụ tai nạn đều do người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và vi phạm quy định an toàn giao thông rồi tông va hoặc lao vào các đoàn tàu đang chạy” - ông Hoạch cho biết.

Từ trước tới nay, đi tàu hỏa luôn là cụm từ được nhiều người dân nhắc tới nhất khi muốn được sự an toàn và yên tâm nhất cho việc di chuyển đường dài, và thực tế cũng chứng minh như vậy. Cho nên việc một vài vụ tai nạn gây thương vong cho cả người trên tàu là rất đáng để lưu tâm.

Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ những nút giao không có rào chắn và sâu xa hơn, đó chính là ý thức người dân tham gia giao thông kém. Theo số liệu thống kê của ngành đường sắt, trên 3.143km đường sắt chạy qua 34 tỉnh - thành, hiện có 5.784 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Trong các điểm giao này, đường ngang được cấp phép có 1.516 điểm (có người gác 651 điểm, có cảnh báo tự động 310 điểm, có biển báo 555 điểm); còn lại 4.268 lối đi dân sinh hai bên đường sắt đi vào thôn, xã không được cảnh báo.

Đây chính là những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, ngay cả tại những nút giao có biển báo, người gác, rào chắn vẫn có nhiều người dân cố tình vượt, không chấp hành hiệu lệnh.

Thiết nghĩ, rất nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt thương tâm vì hành vi thiếu ý thức của người dân, và thêm nữa, tai nạn giao thông đường sắt gần như hoàn toàn có thể phòng tránh được, chứ không như những tai nạn không thể lường trước khác. Ngành đường sắt cũng như chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền tới người dân. Và chính bản thân người tham gia giao thông cần ý thức được trách nhiệm và sự an toàn cho chính mình khi chỉ muốn tranh thủ vài giây vượt đoạn giao này.

Dũng Lê

 

 

 


Ý kiến của bạn