Hà Nội

Báo động: 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí

26-04-2019 13:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến ​​sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Theo TTƯT, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng sức khỏe, nhất là các bệnh lý đường hô hấp, tim mạch, bệnh do dị ứng, hay bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hoặc nhiều bộ phận khác ở trong cơ thể. Tuy nhiên tùy theo từng chất ô nhiễm trong không khí sẽ tác động tới mỗi loại bệnh tật khác nhau. Nói chung chất ô nhiễm trong không khí làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong của những người sống trong đó.

Ô nhiễm không khí gây nhiều bệnh tật ở người. Ảnh minh họa.

ThS.BS Lê Anh Tuấn - bác sĩ Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cũng cho rằng, tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe là rất lớn đặc biệt là ô nhiễm không khí tác động đến đường hô hấp mà trong đó mũi họng là cửa ngõ của đường hô hấp, là nơi tiếp xúc trực tiếp với không khí.

"Mũi có chức năng làm ấm, ẩm và làm sạch không khí trước khi vào phổi nhưng đối với không khí môi trường ô nhiễm thì gần như chức năng này sẽ bị hỏng và bị mất đi. Do vậy, trong không khí chứa các chất độc hại có thể đi thẳng vào cơ thể tức là tác động của các chất độc hại sẽ gây bệnh, biểu hiện đầu tiên là mũi họng như hắt hơi, chảy mũi rồi các bệnh khác trong tai-mũi-họng như viêm mũi, tai giữa, viêm xoang, dị ứng, viêm họng, viêm thanh quản…"- chuyên gia tai mũi họng phân tích.

Để hạn chế, giảm thiểu tác động có hại của ô nhiễm không khí đối với cơ thể, các chuyên gia cho rằng cần tạo được một môi trường sống trong đó môi trường không khí ít ô nhiễm nhất. Đây là việc rất lớn cần sự vào cuộc của toàn xã hội và các cơ quan ban ngành đều vào tham gia, từ việc quy hoạch, quy hoạch lại các nhà máy xí nghiệp mà có thải chất ô nhiễm ra xa các khu dân cư và quản lý tốt các chất thải độc hại như trồng nhiều cây xanh để cây quang hợp.

Mỗi người chúng ta cần chủ động tránh tiếp xúc trực tiếp với những yếu tố có hại trong môi trường và sử dụng các dụng cụ bảo hộ phù hợp nhất (đeo khẩu trang, đeo kính mắt), vệ sinh mũi họng, rửa mắt khi tiếp xúc môi trường có chất độc hại để giảm thiểu, tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là ngăn chặn được toàn bộ vì có những chất bụi mà kích thước quá nhỏ nên có thể lọt qua khẩu trang vào cơ thể gây hại.

Trồng nhiều cây xanh giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa.

Trước thực trạng không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa sức khỏe con người - nhất là ở Hà Nội và TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Theo cơ quan này, hiện nay, mức độ ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng cả về thời gian và mức độ ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân đã được các cơ quan truyền thông phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg.

Khẩn trương thống kê, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí do bụi và khí thải có nồng độ các thông số vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương; phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các phương tiện, chủ phương tiện sử dụng phương tiện giao thông không đáp ứng quy định về tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, các công trình xây dựng đô thị, nhà ở, giao thông, dịch vụ công ích... gây ô nhiễm môi trường.

Cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng không khí trong thành phố; thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã đưa ra chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 05/6 tại Trung Quốc nhằm kêu gọi mọi người cân nhắc cách thay đổi cuộc sống hàng ngày để giảm lượng ô nhiễm không khí thải ra môi trường, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm không khí gây nên sự nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng tới sức khỏe của chính chúng ta.

Tại Việt Nam, Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm nay sẽ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Đây là sự kiện môi trường quốc tế thường niên hết sức quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.​

Dương Hải
Ý kiến của bạn