Báo động: 6,3 triệu người nguy cơ mắc đái tháo đường vào năm 2045

30-09-2019 06:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việt Nam hiện có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này dự báo tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045. Đây là nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về bệnh Đái tháo đường tại Lễ phát động ‘Chung tay phòng chống bệnh Nội tiết – Đái tháo đường” diễn ra vào ngày 29/9 tại Hà Nội do Trung ương Hội người Giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam tổ chức.

Trong chuỗi sự kiện Lễ phát động ‘Chung tay phòng chống bệnh Nội tiết – Đái tháo đường” năm 2019, đã diễn ra Hội thảo khoa học “Bệnh Đái tháo đường: Nguyên nhân và giải pháp”.

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình- Nguyên Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Đại học Y Hà Nội), Chủ tịch Hội người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam, đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 là vấn đề sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng với tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao. Đây là một trong những bệnh không lây nhiễm, có nguy cơ cao và tốc độ phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, hiện nước ta có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này dự báo tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045. Điều đáng lo ngại, có tới 85% người bệnh ĐTĐ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường...và có đến 80% người bệnh đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần.

Tại hội thảo các chuyên gia đã tập trung vào các khuyến cáo chuyên môn, các kỹ thuật và phác đồ điều trị mới. Nội dung chính là chia sẻ kinh nghiệm thực hành lâm sàng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý đái tháo đường như: Biến chứng đái tháo đường, kiểm soát biến chứng mạn tính bằng các thuốc mới; Biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường: lựa chọn thuốc bảo vệ thận; Kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi; Biến chứng mắt đái tháo đường: làm thế nào để chẩn đoán sớm, các phương pháp điều trị hiện nay; Kiểm soát glucose máu sau ăn ở bệnh nhân đái tháo đường;Chỉ định khởi trị sớm insulin khi nào? Ưu và nhược điểm của các loại insulin hiện nay;Tối ưu hóa các thuốc điều trị đái tháo đường mới và các thuốc truyền thống; Cập nhật chẩn đoán, điều trị rối loạn lipid máu 2019;...

Tư vấn cho người bệnh đái tháo đường tại Lễ phát động ‘Chung tay phòng chống bệnh Nội tiết – Đái tháo đường” năm 2019,

Cần thay đổi thói quen, điều chỉnh lối sống, ngăn ngừa phòng chống đái tháo đường

Đái tháo đường thực sự là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Việc điều chỉnh lối sống, sẽ giúp ngăn ngừa phòng chống đái tháo đường. Các chuyên gia nội tiết đưa ra 5 điểm mấu chốt trong chỉnh lối sống, cụ thể là:

-Ăn uống lành mạnh

Theo khuyến nghị của Hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA), khẩu phần ăn trong ngày của người ĐTĐ cũng phải đủ 3 thành phần chính: tinh bột (bún, mì, gạo, phở, miến, hủ tiếu, khoai, bắp...) chiếm khoảng 50% năng lượng; chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật) chiếm từ 35%; đạm (thịt, cá, đậu, hạt thực vật) chiếm khoảng 15%, ngoài ra cần chú ý bổ sung vitamin, chất khoáng, chất xơ có nhiều trong rau, củ, quả và trái cây “ít ngọt”.

Ngoài cấm món ăn, thức uống có đường ngọt (sugary carbohydrate); người ĐTĐ cũng cần giảm ăn chất béo như thịt nguội, thịt mỡ, phó mát, dầu, khoai tây chiên; nên ăn cá 2-3 lần trong tuần, và hạn chế uống rượu, bia.

-Vận động thích hợp

ĐTĐ đồng nghĩa với dư thừa năng lượng, thừa ăn. Cho nên cần tích cực hoạt động thể lực để giúp cơ thể tiêu hao năng lượng thừa, giúp cơ thể tiêu thụ đường dễ dàng hơn, nâng cao sức khỏe của toàn cơ thể, luyện tập thể lực cũng làm cải thiện tinh thần kinh, hoạt bát, nhanh nhẹn, sảng khoái và cuối cùng luyện tập thể lực cũng sẽ làm tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật.

Nguyên tắc luyện tập thể lực là: Luyện tập phải dần dần và thích hợp, Phải đề phòng hạ đường máu khi tập thể lực, Không ráng tập quá sức hoặc tập thể lực khi đang có bệnh cấp tính, khi chưa kiểm soát đường máu ổn định…

-Cố gắng giảm cân

Thừa cân, béo phì vừa là nguy cơ vừa là yếu tố làm nặng thêm các triệu chứng ĐTĐ. Các chuyên gia nội tiết cho thấy chỉ giảm 5- 7 phần trăm trọng lượng cơ thể sẽ giúp ổn định đường trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin.

- Bỏ hút thuốc lá

Giúp hạ đường huyết và giảm các biến chứngmắt, đột quỵ, bệnh thận, bệnh mạch máu, thần kinh và chân…..

-Kiểm soát các stress

Stress sẽ làm đường máu tăng theo cơ chế “chiến đấu hay chạy trốn” (fight or flight mechanism). Do đó, kiểm soát stress qua tập thể dục, khí công, yoga, thư giãn rất hữu ích để hỗ trợ điều trị ĐTĐ.

 



Lê Mai
Ý kiến của bạn