Muốn tự sát vì chia tay người yêu
Tại Viện Sức khỏe tâm thần (VSKTT), các bác sĩ đã từng điều trị cho BN nữ 21 tuổi, là sinh viên năm cuối của một trường Đại học. BN có tiền sử khỏe mạnh, tính cách sống vui vẻ hòa đồng. Tuy nhiên từ khi chia tay người yêu cùng với với áp lực ở trường học, BN không thể ngủ hơn 3- 4 tiếng một tối. BN chán ăn, và gầy sút 4kg trong 6 tuần, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học và cũng không muốn làm việc gì. BN hay ngồi khóc, cáu gắt và giận dữ, cảm giác cuộc sống của mình không còn có ý nghĩa.
Gia đình cho hay, con gái đã nhiều lần nói với mẹ là không muốn sống nữa, muốn chết để không phải đau khổ như hiện tại. BN được gia đình đưa đến khám và điều trị tại VSKTT. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán, BN đang ở giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần, có ý tưởng tự sát.
TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng VSKTT cho biết, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Trong năm 2016, VSKTT khám và điều trị ngoại trú 18.402 lượt bệnh nhân (BN) trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú 446 lượt BN (chiếm 13,0%). Trung bình mỗi ngày có 50 BN đến khám và điều trị về trầm cảm. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trầm cảm điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai.
Nghiên cứu mới nhất tại VSKTT năm 2016 ở những BN từ 45 tuổi bị trầm cảm có tỉ lệ 36,5% BN có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do BN cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.
Theo các bác sĩ, mục tiêu của điều trị trầm cảm nhằm đạt được đáp ứng điều trị, cải thiện tình trạng bệnh hoặc ổn định bệnh là không còn các triệu chứng càng sớm càng tốt, khi đó có thể duy trì các chức năng xã hội cho người bệnh và tiến tới hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, TS. Phương cho rằng, việc điều trị trầm cảm hiện nay gặp rất nhiều các thách thức, và khó khăn. Phần lớn BN trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm, nhiều trường hợp BN trầm cảm còn kỳ thị hoặc biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể nên đến khám tại các chuyên khoa khác trước khi đến khám tại chuyên khoa tâm thần. Vì vậy, phần lớn BN trầm cảm thường chậm chễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Vấn đề khó khăn khác là điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn, bản thân BN và gia đinh người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị.
Trong thực tế điều trị, hơn 50% BN có nguy cơ cơn tái diễn sau cơn thứ nhất, tỉ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90% . Một số thuốc chống trầm cảm đạt được mức độ đáp ứng điều trị bệnh nhưng khi đó BN vẫn còn các triệu chứng gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động khác. Một thuốc điều trị chống trầm cảm lí tưởng bên cạnh cân bằng giữa hiệu quả và tác dụng phụ, còn giúp BN phòng ngừa tái diễn, tái phát, giải quyết các triệu chứng còn tồn tại sẽ đáp ứng những trăn trở trong điều trị trầm cảm.
Rối loạn trầm cảm có thể chữa được nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa.
Dấu hiệu nào nhận biết trầm cảm?
Các bác sĩ cho biết, người mắc chứng trầm cảm thường có các dấu hiệu điển hình dưới đây:
- Cảm giác buồn chán, trống rỗng
- Khó tập trung suy nghĩ, hay quên
- Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì
- Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng
- Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
- Hay cáu gắt, giận dữ
- Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày
- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều
- Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát
Ngoài ra, nhiều BN trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…
Ảnh minh họa.
Về nguyên nhân khiến BN rơi vào trầm cảm bao gồm các lý do như: Mất mát người thân; Li dị, sống độc thân; Thiếu sự hỗ trợ chăm sóc từ xã hội, cộng đồng; Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm; Lạm dụng rượu và các chất ma túy; Thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc; Thất nghiệp, hoặc có các bệnh cơ thể mạn tính; Bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục; Xung đột cá nhân trong các mối quan hệ....
Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần, do ở người phụ nữ có sự thay đổi hormon ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
TS. Phương khuyến cáo, khi gặp BN trầm cảm, với những bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cần nhận biết được sớm các dấu hiệu trầm cảm ở BN. Từ đó tư vấn và giới thiệu BN đến khám tại các cơ sở điều trị chuyên khoa tâm thần để BN được điều trị sớm, tích cực, hiệu quả nhất. Đối với các bác sĩ chuyên ngành tâm thần, đứng trước một BN có dấu hiệu trầm cảm, cần phải đánh giá được mức độ nặng của bệnh, nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng liên quan tới xuất hiện trầm cảm của BN. Tư vấn và đưa ra hướng điều trị và theo dõi cho bệnh nhân, có thể điều trị ngoại trú hoặc phải điều trị nội trú tùy theo tình trạng của BN.
Bản thân người bệnh cũng hãy chủ động trò chuyện với những người thân xung quanh khi thấy mình có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Như vậy, nếu tất cả chúng ta cùng chung tay, giúp sức chúng ta sẽ giúp được rất nhiều BN trầm cảm được phát hiện và điều trị sớm từ đó giúp người bệnh có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn, cũng như giúp cho xã hội phát triển và tốt đẹp hơn"- TS. Phương nói.