Báo động: 15 triệu nam giới trưởng thành Việt Nam mang bệnh cho mình và cộng đồng vì hút thuốc lá

13-11-2019 19:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hút thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh. Đáng nói, thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút, mà những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ em trong độ tuổi đi học là con của những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh hen suyễn của họ trở nên trầm trọng hơn.

Tại hội thảo “Tăng cường hoạt động tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam” Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học (ISMS) và Trường Đại học New York tổ chức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng với khoảng 15 triệu nam giới trưởng thành hút thuốc lá, Việt Nam là nước có số hút thuốc cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.

Hút thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh. Đáng nói, thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút, mà những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ em trong độ tuổi đi học là con của những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh hen suyễn của họ trở nên trầm trọng hơn.

“Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời, so với những người không hút thuốc”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin.

Theo phân tích của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong gia đình có người mắc ung thư, có người bị tim mạch, xơ vữa động mạch mới thấy vất vả như thế nào. Bệnh viện quá tải bệnh nhân tim mạch, ung thư một phần nguyên nhân cũng vì thuốc lá. Quỹ  Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Quỹ) đã chú trọng công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, xây dựng và triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng

"Tôi cho rằng việc tuyên truyền, cai nghiện thuốc cần nhắm đến đối tượng trẻ, học sinh sinh viên, phụ nữ để họ còn khuyên người thân bỏ thuốc, với những người lớn tuổi 60 - 70 tuổi không dễ gì can thiệp từ bỏ thói quen"- PGS.TS  Khuê nói.

Cũng tại hội thảo,  BS Phạm Thị Lệ Quyên, Trung tâm tâm hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết từ đầu năm đến nay Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí (18006606), của Bộ Y tế, đã thực hiện tư vấn cai nghiện thuốc lá cho gần 8.000 cuộc gọi đến tổng đài.

Trong số này có nhiều trường hợp là thanh thiếu niên ở độ tuổi 14-17 tuổi. Ngoài mong muốn cai nghiện thuốc lá truyền thống, nhiều trường hợp muốn được tư vấn đế cai nghiện thuốc lá điện tử, shisha…

Gần đây nhất là trường hợp một nam sinh 17 tuổi ở Hưng Yên mong muốn được cai nghiện thuốc lá. Theo nam sinh này, từ khi lên 6 tuổi anh đã được ông nội và bố cho hít thử thuốc lào và nghiện thuốc lúc nào không hay. Khi lớn hơn thanh niên này còn hút thêm cả thuốc lá.

“Hiện mỗi ngày nam sinh hút 3 lần thuốc lào (điếu cày) và hút hết một bao thuốc. Tình trạng nghiện thuốc lá, thuốc lào khiến nam sinh gầy tong teo, chỉ nặng hơn 40 kg, nước da xanh xao, cơ thể yếu ớt, thường xuyên mệt mỏi… Nam sinh này đã được các bác sĩ lập hồ sơ theo dõi tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá”- BS Quyên cho biết.

BS Lệ Quyên, trong số hơn hơn 3.600 bệnh nhân tham gia chương trình tư vấn cai thuốc lá chủ động từ tháng 4/- 9/2019 có 750 trường hợp đã cai nghiện thành công. Tỉ lệ cai thuốc lá thành công ở Việt Nam cũng tương đương so với thế giới.

Các chuyên gia cho hay, thuốc lá được xếp vào nhóm bệnh nghiện nicotin và trên thế giới coi nghiện thuốc lá là bệnh mãn tính. Khi nghiện thuốc lá việc điều trị sẽ rất dai dẳng giống như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp… Thuốc lá gây nghiện là do nicotin. Trung bình một điều thuốc chứa 1-3 mg nicotin, khi hút thuốc chất này sẽ tác động đến não bộ. Nicotin được xếp vào nhóm có tính chất gây nghiện tương tự như ma tuý, heroin và cocain nên việc cai nghiện cũng rất gian nan và đòi hỏi người nghiện phải có quyết tâm rất cao.

Thống kê tại Trung tâm hô hấp cho thấy trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận từ 15-30 bệnh nhân bị các bệnh lý về phổi và đường hô hấp, khoảng 2/3 bệnh nhân có tiền sử hút và nghiện thuốc lá, thuốc lào.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ kết quả của dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế xã” do Viện nghiên cứu Y- Xã hội học (ISMS), Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Đại học New York và Trung tâm y tế thị xã Phổ Yên, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ triển khai từ năm 2014 đến năm 2019 trên 26 xã/phường – với mục đích thí điểm mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế cơ sở cho thấy tỷ lệ cán bộ y tế tư vấn ngắn hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc tại trạm y tế tăng từ 1,2% lên 51,6%.

Với khoảng 15 triệu nam giới trưởng thành hút thuốc lá, Việt Nam là nước có số hút thuốc cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.

Kết quả đánh giá tính bền vững của dự án cho thấy hơn 37% cán bộ y tế duy trì việc tư vấn hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc tại trạm y tế xã tại thời điểm 24 tháng sau can thiệp. Tỉ lệ cai thuốc thành công trong số những bệnh nhân đã cai thuốc là 74,1% ở nhóm nhận tư vấn từ cán bộ y tế và 88,9% ở nhóm nhận tư vấn từ y tế thôn bản.

Dự án “Xây dựng và thử nghiệm tính phù hợp và khả thi của hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá tại Việt Nam” do Viện nghiên cứu Y  - Xã hội học, Trường đại học New York – Mỹ, Đại học Y Hà Nội, Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm phối hợp triển khai tại phường Mễ Trì và phường Tây Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội từ 08/2017 - 06/2019 cũng mang lại những kết quả bước đầu với 98% người tham gia thấy hài lòng/rất hài lòng; 96% thấy chương trình dễ sử dụng; 94% trả lời rằng tin nhắn giúp họ cai thuốc; 96% mong muốn sử dụng chương trình tin nhắn.


Cũng tại hội thảo, ThS. BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết thời gian gần đây có nhiều thông tin về việc hút thuốc lá điện tử sẽ giúp cai nghiện thuốc lá nhưng thực tế đây chỉ là cách hiểu sai làm. Do trong thuốc lá điện tử vẫn có thành phần nicotin nên không thể giúp người bệnh cai thuốc mà chỉ chuyển từ nghiện thuốc lá truyền thống sang thuốc lá điện tử.

Ngoài nicotin trong thuốc lá điện tử còn có các hương liệu, phụ gia, nếu không được quản lý chặt loại thuốc lá này có thể bị trộn cả ma tuý. Một số nghiên cứu ở Mỹ được công bố mới đây đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp bị suy hô hấp tổn thương phổi nặng có sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 39 người tử vong.

Hiện Bộ Y tế đang đề xuất quản lý chặt chẽ việc quảng cáo và sử dụng thuốc lá điện tử giống như thuốc lá truyền thống.


Thái Bình
Ý kiến của bạn