Theo các dữ liệu Đài khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ thu nhận được, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được trung bình 20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 14 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 04/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Các tầu thuyền cần khẩn cấp vào nơi trú ẩn an toàn và liên tục theo dõi diến biến của cơn bão cũng như tình hình thời tiết.
Lũ dâng cao ở Phú Yên và có nhiều diễn biến phức tạp
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa ngày 3 đến chiều 4/11 các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, lốc mạnh kéo dài và gió giật mạnh nên người dân cần tăng cường gia cố nhà cửa, chủ động ứng phó với các tình huống xấu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến sáng ngày 3/11, nhiều con sông ở khu vực Nam Trung Bộ nước đã dâng cao trên mức báo động III như, sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh (Khánh Hòa)…Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt các tỉnh Nam Trung Bộ đang khẩn trương sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở. Theo thống kê sơ bộ, đến nay đã có 3 người bị thiệt mạng và 4 người mất tích do mưa lũ trong 2 ngày qua tại các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó Quảng Nam 2 người chết, Phú Yên 1 người chết. Hàng ngàn héc ta hoa màu bị ngập sâu trong nước, hơn 3000 ngàn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Các tàu thuyền cần khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn
Thực hiện Công điện số 1178/CĐ-BYT của Bộ Y tế, sáng ngày 3/11, Sở Y tế các tỉnh Nam Trung Bộ cho biết đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men, luôn trong tư thế sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, bão gây ra. Các đội cấp cứu cơ động đã được thành lập, trực chiến liên tục ở các vùng bão lũ. Các Sở Y tế cũng đã có đầy đủ phương án để bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Ngành Y tế các địa phương quyết tâm cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại về sức khỏe của người dân.