Bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực

13-11-2014 23:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, nhiều đại biểu (ĐB) đã cho rằng Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là bộ luật chung, bộ luật lớn, làm cơ sở pháp lý chung nhất để các luật chuyên ngành căn cứ vào đó quy định các nội dung chi tiết.

Quy định rõ về hình thức sở hữu

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị vấn đề hình thức sở hữu cần được làm rõ hơn trong dự thảo Bộ luật. Các đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Phùng Quốc Hiển (Yên Bái) và một số ý kiến cho rằng để cụ thể hóa và để bảo đảm sự thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu toàn dân thì Bộ luật Dân sự cần quy định 3 hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Các đại biểu phân tích việc phân loại này bảo đảm tính thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với nguyên tắc xác định hình thức sở hữu. Theo đó, khi xác định hình thức sở hữu thì cần phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể cụ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền.

Tuy nhiên, về vấn đề này, ĐB Trần Đinh Nhã (Thừa Thiên Huế) có quan điểm khác cho rằng, Bộ luật Dân sự chỉ nên quy định 2 hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. Theo đại biểu Nhã, sở hữu toàn dân cũng là một hình thức của sở hữu chung và việc quy định 2 hình thức trong dự thảo luật sẽ dễ dàng hơn trong xử lý về pháp lý. Sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản; sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Theo đó, việc quy định sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là để phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp là tài sản công thuộc sở hữu của toàn dân, đồng thời tạo chế độ pháp lý cụ thể để Nhà nước thực hiện vai trò của mình trong đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý tài sản công.

​Đại biểu Phùng Quốc Hiển.

Sửa đổi nhưng tránh phức tạp hóa

Thảo luận về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cần bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ vì trong luật có quá nhiều từ pháp lý chuyên ngành khó hiểu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, với những khái niệm, từ ngữ pháp lý đã quá quen thuộc với hành pháp và tư pháp, cũng như người dân mà không dẫn tới hiểu sai thì đề nghị giữ nguyên, tránh sự phức tạp hóa không cần thiết. Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nêu ý kiến: “Triết lý quan trọng nhất khi sửa luật là tổng kết thực tiễn cái gì vướng thì sửa chứ cứ đọc sách nước ngoài và sửa cho phù hợp với nước ngoài không hợp lý. Nhìn lại trong luật sửa đổi này, nhiều vấn đề không đúng thực tiễn. Nhất là một số vấn đề, khái niệm, người dân đã quen sử dụng, sử dụng không vướng mắc gì thì không cần sửa đổi”. Bên cạnh đó, ĐB Quyền cũng cho rằng Bộ luật Dân sự quy định giữa luật chung và luật riêng. Tuy nhiên, trong thực tế đang hình thành sự rối. Lý do vì trong Bộ luật Dân sự không chỉ quy định về nguyên tắc mà còn có những quy định cụ thể. Các luật chuyên ngành bên cạnh việc lấy lại các nguyên tắc chung của Luật Dân sự thì lại có một số nguyên tắc riêng, thậm chí trái Bộ luật Dân sự. Điều này rất đáng suy nghĩ. Bộ luật Dân sự là quy định nền tảng, trong trường hợp có ngoại lệ ở luật chuyên ngành thì thực hiện theo luật chuyên ngành, song tôi nhấn mạnh, các ngoại lệ này không được trái nguyên tắc chung ở Bộ luật Dân sự - ĐB Quyền cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) góp ý: “Về quyền và vật quyền, trước đây gọi là quyền và quyền sở hữu cá nhân hoặc gọi là giao dịch dân sự nhưng bây giờ gọi là hành vi dân sự. Đây là từ mới, khái niệm mới. Đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát phải tổng kết, nếu dùng những từ ngữ mới phù hợp với thực tiễn thì nên sử dụng còn nếu luật cũ ghi là giao dịch dân sự, Tòa án và Viện kiểm sát không hiểu sai và nhân dân cũng hiểu quen rồi thì cũng không cần thiết phải sửa”.

T. Phong

 

 


Ý kiến của bạn