Bảo đảm sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

23-09-2024 14:15 | Y tế
google news

SKĐS - Để sớm ổn định đời sống cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Sau bão lũ, người dân sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng có nguy cơ phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe. Lúc này nguồn nước, không khí bị ô nhiễm, gia súc và vật nuôi, cây trồng cũng bị ảnh hưởng, môi trường sống của người dân không được đảm bảo.

Nghị quyết số 143/NQ-CP ban hành ngày 17/9/2024 của Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Bão số 3 đã qua đi và để lại nhiều hậu quả nặng nề về người và của cho nhân dân tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, trong đó có tỉnh Lào Cai. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước, bùn lầy, rất nhiều hộ dân bị mất nước sinh hoạt, nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân không chỉ chịu thiệt hại do mưa lũ mà còn có nguy cơ đối diện với những ảnh hưởng về sức khỏe như dịch bệnh bùng phát.

Bảo đảm sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cùng các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm bệnh nhân tại Làng Nủ đang điều trị tại BVĐK tỉnh Lào Cai

Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đồng chí Thứ trưởng đã tháp tùng, tham gia đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ đến Lào Cai giám sát, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả sau bão lụt. Các bệnh viện trực thuộc tuyến Trung ương đã tổ chức các chương trình thăm khám cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ. 

Đơn cử như chương trình khám chữa bệnh tình nguyện của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp cùng với Sở Y tế Lào Cai để thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí và hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã đưa ra những thông tin khuyến cáo về dịch bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ và đề nghị các cơ quan, đơn vị cùng người dân chủ động tham gia các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc: Thực hiện các biện pháp dự phòng chủ động để đảm bảo an toàn trước mùa mưa và khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; tìm hiểu thông tin và chủ động thực hiện khuyến cáo về các biện pháp giữ an toàn trong mưa lũ và ngập lụt, các biện pháp phòng chống tai nạn, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa bão lũ của các cơ quan y tế và chính quyền.

Song song sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến Trung ương, ngành y tế Lào Cai cũng đang nỗ lực để triển khai thêm các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ngay sau khi nước rút như: xử lý nguồn nước, xử lý môi trường sống, phòng chống các dịch bệnh sau mưa lũ… 

Do môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm cộng thêm số lượng xác động vật, gia súc, rác thải bị phân hủy làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và tăng nguy cơ mắc các bệnh như đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, bệnh đường tiêu hóa, sốt xuất huyết… Ngành y tế tỉnh Lào Cai cũng tăng cường giám sát những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, chủ động phát hiện những ca bệnh có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để xử lý và khoanh vùng, không để dịch bùng phát.

Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà đã chỉ đạo các trạm y tế xã nhanh chóng hướng dẫn người dân tại khu vực bị ảnh hưởng dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh, thu gom rác thải và xác động vật để phun khử khuẩn. 

Cùng với đó nhân viên y tế đã tiến hành khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Trên địa bàn huyện Bắc Hà đã tổ chức những cơ sở nấu ăn từ thiện để phát cho những người dân đang phải di tán do bão lũ.

Ngày 25/9, Bộ Y tế đã trao tặng 5 tấn Cloramin B cho 5 tỉnh thành phố để phục vụ công tác khắc phục hậu quả bão lụt. Số thuốc trên được Tập đoàn hóa chất Việt Nam tài trợ và được Bộ Y tế trao tặng cho các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Bình, Thái Bình và Thanh Hóa. Chloramine B được dùng để vệ sinh nơi ở, khử khuẩn y tế, khử khuẩn nguồn nước. Đây cũng là cách để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh có thể phát sinh. Người dân cần lưu ý những khuyến cáo để phòng, chống dịch nói chung bao gồm:

- Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

- Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

- Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

- Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Xem thêm video được quan tâm:

Cấp cứu sốc phản vệ độ 2 sau khi sử dụng thuốc nhuộm tóc | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn