Bảo đảm điều kiện để doanh nghiệp phát triển

17-06-2014 21:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 17/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề này...

Ngày 17/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề này, đã có nhiều ý kiến của các đại biểu về những vấn đề như: ban hành danh mục bị cấm, kinh doanh có điều kiện; trao quyền tự do cho doanh nghiệp…, được thảo luận sôi nổi.

Cần thiết phải ban hành danh mục bị cấm, kinh doanh có điều kiện

Liên quan đến vấn đề để doanh nghiệp có thể làm những gì luật không cấm như tinh thần của Hiến pháp 2103, nhiều đại biểu cho rằng, dự luật cần có các quy định các nguyên tắc để các văn bản khác không tùy tiện đưa ra các quy định cấm, điều kiện kinh doanh ảnh hưởng đến quyền của doanh nghiệp. Các đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, ngành nghề cấm kinh doanh nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội và quy định trong dự luật nhằm tránh sự tùy tiện trong các văn bản hướng dẫn khác. Riêng ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể giao cho Chính phủ quy định nhưng danh mục này phải đảm bảo tính ổn định lâu dài chứ không nên rà soát hàng năm như dự thảo quy định. Bên cạnh đó, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Quốc hội nên định kỳ hàng năm giám sát danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện để bãi bỏ các nội dung không phù hợp. Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khẳng định về sự cần thiết phải ban hành danh mục bị cấm, kinh doanh có điều kiện kèm theo luật, theo đúng tinh thần của Hiến pháp là quyền kinh doanh chỉ bị hạn chế theo luật. Và, định kỳ Chính phủ sửa đổi bổ sung trình danh mục ra Quốc hộiQuốc hội thực hiện việc điều chỉnh để bảo đảm phù hợp Hiến pháp và tránh thường xuyên điều chỉnh ngành nghề cấm, kinh doanh, tránh xáo trộn, hạn chế thu hút đầu tư.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình).

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình).

Cũng đồng tình với việc trao quyền tự do trong kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng một số ĐB khác như Lê Công Đỉnh (Long An), Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng chỉ nên quy định về nguyên tắc các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện trong dự thảo còn danh mục cụ thể do Chính phủ quy định và hàng năm Chính phủ tiến hành rà soát, bãi bỏ các nội dung không phù hợp. Điều này sẽ tạo sự linh hoạt trong danh mục này.

Cũng trong phiên thảo luận, đa số các ĐB đều đồng tình với việc không cần thiết phải đưa một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước như trong dự thảo. Bởi điều này sẽ tạo cho các thành phần doanh nghiệp khác có cảm giác bị phân biệt đối xử. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên đưa các quy định về doanh nghiệp vào dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đang được Quốc hội cho ý kiến.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM).

Rất cần có cơ chế để người dân thực hiện quyền giám sát

Trước đó, liên quan đến vấn đề cơ chế để người dân thực hiện quyền giám sát - một trong những nội dung trong Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) được các đại biểu thảo luận, ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội chia sẻ, trưng cầu ý dân phải quy định rõ được hai ý, một là, Quốc hội phải quy định rõ việc triển khai vấn đề này theo Hiến pháp trong thực tiễn. Thứ hai, kết quả trưng cầu dân ý phải là kết quả cao nhất, không ai được bàn cãi gì về kết quả này. Có hai kênh rất quan trọng để quyết định vấn đề nào cần trưng cầu ý dân. Đó là, các vấn đề có ý kiến kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, của đông đảo cử tri. Hai là vấn đề Quốc hội thấy cần thiết phải trưng cầu ý dân, ví dụ như việc sửa đổi Hiến pháp có rất nhiều vấn đề cần phải trưng cầu ý dân hoặc trong xây dựng pháp luật có một số luật hay các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng.

Cũng theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, thực tế nhiều người dân khi đến UBND phường bị từ chối tiếp, điều này cũng xảy ra với đại biểu Quốc hội sẽ như thế nào, người dân sẽ thực hiện quyền giám sát ra sao? Đại biểu cho biết, cách cư xử như vậy chỉ là một cá thể. Nhưng nếu đó là thái độ chung của xã hội đối với đại biểu Quốc hội thì rất nguy hại. Bởi một đất nước, vai trò của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho nhân dân mà không được khẳng định thì đó là điều nguy hại. Còn vấn đề thực hiện quyền giám sát, Hiến pháp đã quy định nhưng quan trọng bây giờ là phải có cơ chế. Vẫn còn tồn tại rất nhiều biển “không nhiệm vụ miễn vào” thì công dân giám sát như thế nào? Không nhiệm vụ miễn vào có thể nhưng phải có cách để người dân giám sát. Trong đó, vấn đề công khai minh bạch của cơ quan công quyền, cung cấp thông tin cho người dân là điều rất quan trọng.

Anh Tuấn – Văn Hậu

 


Ý kiến của bạn