Bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp khi Covid -19 sang nhóm B

12-11-2023 19:37 | COVID-19

SKĐS - Bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp với tình hình dịch là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra để thực hiện tốt việc Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 khi dịch bệnh này chuyển sang nhóm B.

Quán triệt quan điểm thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại với các biến chủng nguy hiểm hoặc với các đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025.

Theo đó để thực hiện tốt mục tiêu chung kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân góp phần phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể là giảm số mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em…Giảm ca nặng và tử vong do COVID-19; Đảm bảo việc quản lý bệnh COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác… thì đảm bảo đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm… là rất cần thiết.

Bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp khi Covid -19 sang nhóm B- Ảnh 1.

Đảm bảo đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm…khi Covid -19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Cùng với đó, đảm bảo cơ số giường bệnh, giường điều trị tích cực, khu vực điều trị COVID-19 tại các tuyến huyện, tỉnh và trung ương.

Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các chính sách về xã hội hóa trong phòng, chống dịch.

Xây dựng, đề xuất các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.

Việc kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 cũng cần sự vào cuộc của cả hệ thống bao gồm các Cục/Vụ/Viện/Trung tâm thuộc Bộ Y tế, các viện thuộc hệ thống y tế dự phòng, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế…

Ngoài ra sự phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Y tế cần sự phối hợp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan….cũng sẽ là những yếu tố để kiếm soát quản lý bền vững dịch bệnh.

Bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp khi Covid -19 sang nhóm B- Ảnh 2.

Mục tiêu chung của Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025 là kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Đại dịch COVID-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.

Ngày 05/5/2023, sau hơn 03 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; tại thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 6,9 triệu trường hợp tử vong.

COVID-19 vẫn còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu; vi rút SARS-CoV-2 chưa biến mất hay bớt nguy hiểm, vẫn đang biến đổi và có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong. WHO khuyến cáo các quốc gia không được mất cảnh giác và bỏ qua các biện pháp phòng chống dịch. WHO khẳng định, các quốc gia thành viên đã đến lúc chuyển sang giai đoạn quản lý lâu dài dịch bệnh COVID-19.

WHO đã ban hành Chiến lược Chuẩn bị và ứng phó với COVID-19 giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu:

Giảm và kiểm soát số ca mắc mới, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương;

Phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị COVID-19 để giảm tử vong, mắc bệnh và di chứng lâu dài;

Hỗ trợ các quốc gia trong quá trình chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.

Tại nước ta, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch phù hợp; dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực; được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc chuyển phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19/10/2023 điều chỉnh phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B; có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023.

Cùng ngày 19/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg quyết định sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023.

Nguyễn Tuệ
Ý kiến của bạn