Bảo đảm cung cấp đủ thuốc sốt rét và miễn phí cho người dân

10-08-2013 15:27 | Tin nóng y tế
google news

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù số ca mắc sốt rét của cả nước giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước, song hiện vẫn chưa đến thời kỳ đỉnh của mùa truyền bệnh sốt rét trong năm.

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù số ca mắc sốt rét của cả nước giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước, song hiện vẫn chưa đến thời kỳ đỉnh của mùa truyền bệnh sốt rét trong năm. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể đối phó với giai đoạn “đỉnh” đó trong những tháng sắp tới? Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, Giám đốc Ban quản lý Dự án quốc gia Phòng chống sốt rét về nhiệm vụ này.

Bảo đảm cung cấp đủ thuốc sốt rét và miễn phí cho người dân 1TS. Trần Thanh Dương.

PV: Thưa ông, được biết trong 6 tháng đầu năm, số ca mắc sốt rét của cả nước đã giảm so với cùng kỳ năm 2012. Xin ông cho biết cụ thể hơn về tình hình và những nhận định trong các tháng tiếp theo?

TS. Trần Thanh Dương: Trong 6 tháng đầu năm, số ca ghi nhận mắc sốt rét của cả nước là 16.952, giảm 15,11% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ lệ mắc/1.000 dân là 0,188. Số lượng bệnh nhân sốt rét giảm ở toàn bộ các khu vực nhưng đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tỷ lệ bệnh nhân sốt rét và số người nhiễm ký sinh trùng sốt rét giảm nhiều nhất (tỷ lệ giảm tương ứng là 44,51% và 41,07%). Tuy nhiên, tại một số địa phương hiện vẫn ghi nhận số lượng ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) cao như: Bình Phước (1.316 trường hợp), Gia Lai (1.173 trường hợp), Đăk Lăk, Quảng Nam, Khánh Hòa... Về cơ cấu KSTSR, theo điều tra dịch tễ, hiện tỷ lệ KST P.falciparum chung trên toàn quốc vẫn chiếm đa số với 52,9% nhưng có sự khác biệt giữa các khu vực. KST P.falciparum chiếm tỷ lệ cao nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 68,89%), trong khi khu vực miền núi phía Bắc, tỷ lệ KST P.falciparum chỉ chiếm 26,89%. Bên cạnh đó, KST P.vivax cũng có xu hướng tăng dần (tỷ lệ là 42,09%, so với cùng kỳ năm 2012 là 39,55%), khiến cho cơ cấu KSTSR thay đổi so với trước đây. Thành công của chúng ta là không có dịch sốt rét xảy ra trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù cả nước cũng đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt rét tại Bình Phước, Phú Yên và Trà Vinh, nhưng số liệu này không tăng so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số liều thuốc sốt rét đã sử dụng trong những tháng đầu năm là 105.707 liều điều trị, đạt 20,25% so với kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (105.707/ 125.892 liều) do số bệnh nhân sốt rét giảm và chưa đến đỉnh của mùa truyền bệnh sốt rét của năm.

PV: Xin ông cho biết hiệu quả của các hoạt động giám sát dịch tễ, phòng chống véctơ đối với việc bảo vệ người dân khỏi mắc sốt rét đã được thực hiện như thế nào?

TS. Trần Thanh Dương: Độ bao phủ can thiệp phòng chống véctơ trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 47,13% dân số bảo vệ so với kế hoạch cả năm (5.030.642/ 10.673.000 người). Tổng số dân được bảo vệ bằng hóa chất là 2.019.214 người. Một số địa phương do kinh phí được cấp muộn nên việc tiến hành chiến dịch phòng chống véctơ muộn hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên, các viện và các địa phương đã linh hoạt vận dụng tạm ứng kinh phí từ các nguồn khác nhau để thực hiện công tác chỉ đạo và giám sát các hoạt động phòng chống sốt rét ở các tuyến ngay sau khi nhận được kế hoạch phân bổ kinh phí. Các địa phương đã tăng cường công tác chỉ đạo và giám sát dịch tễ tại các vùng trọng điểm sốt rét. Trong 6 tháng qua, toàn quốc đã tiến hành 19.395 lượt giám sát dịch tễ tại 22.403 điểm. Các địa phương thực hiện giám sát nhiều nhất phải kể đến Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An... Về công tác giám sát véctơ trong thời gian qua, các địa phương đã thực hiện 8.254 lượt giám sát côn trùng tại 8.905 điểm, tuy nhiên có một số địa phương ít quan tâm đến hoạt động này. Về việc giám sát điểm kính hiển vi, hiện cả nước có gần 3.000 điểm kính hiển vi có chất lượng xét nghiệm tương đối tốt, qua kiểm tra 24.998 lam xét nghiệm của 28 tỉnh miền Bắc gửi về cho thấy không có trường hợp nào sót chủng KST, tỷ lệ nhầm chủng và sai kết quả là rất thấp.

Bảo đảm cung cấp đủ thuốc sốt rét và miễn phí cho người dân 2Soi kính hiển vi tìm chủng sốt rét.      Ảnh: TL

PV: Ông có nhận định thế nào về những tồn tại, khó khăn mà ngành y tế phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống sốt rét những tháng cuối năm?

TS. Trần Thanh Dương: Vấn đề giám sát, quản lý phòng chống sốt rét cho đối tượng là dân di biến động vẫn là một thách thức lớn đối với công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay. Đặc biệt là những đối tượng đi làm ăn theo thời vụ từ vùng không có sốt rét và vùng sốt rét nhẹ đến vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Y tế thôn bản mặc dù đã phát triển về số lượng nhưng chất lượng chuyên môn vẫn còn yếu. Một số địa phương là trọng điểm sốt rét nhưng sự tham gia của y tế thôn bản trong công tác phát hiện chẩn đoán và điều trị bệnh nhân sốt rét còn hạn chế. Chất lượng điểm kính xã phát hiện KST cũng còn yếu, một số điểm kính hoạt động không hết công suất hoặc không hoạt động do không có nhân lực. KSTSR P.falciparum kháng artemisinin có nguy cơ lan rộng do có sự giao lưu dân số lớn giữa những địa phương đã phát hiện có kháng thuốc tới những địa phương khác trên toàn quốc. Mặt khác, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động phòng chống véctơ như tẩm màn, phun hóa chất... vẫn còn hạn chế, ở nhiều nơi hoạt động này chủ yếu vẫn do cán bộ y tế thực hiện trong khi nguồn nhân lực y tế còn ít, không thể bảo đảm diện bao phủ của các biện pháp này.

PV: Vậy trọng tâm công tác phòng chống và loại trừ sốt rét trong những tháng cuối năm được đặt ra như thế nào thưa ông?

TS. Trần Thanh Dương: 6 tháng cuối năm là thời kỳ mưa bão, lũ lụt, là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt rét phát triển, nhiều vùng có thể bùng phát dịch nếu không được giám sát tốt và can thiệp kịp thời. Mặt khác, đỉnh mùa truyền bệnh sốt rét ở các khu vực cũng khác nhau. Vì vậy, 6 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện tốt các hoạt động giám sát dịch tễ, phòng chống véctơ, chẩn đoán, điều trị ca bệnh, đào tạo nhân lực, quản lý tốt vật tư, kinh phí... Trong đó chú trọng việc tăng cường phát hiện bệnh cho các đối tượng có sốt, tập trung giám sát tại các điểm nóng sốt rét, đặc biệt các vùng đang gia tăng số bệnh nhân sốt rét và KSTSR, vùng thiên tai lũ lụt. Tăng cường giám sát chặt chẽ vùng có dân di biến động, áp dụng biện pháp cấp thuốc tự điều trị, có hướng dẫn sử dụng cho các đối tượng được cấp thuốc tự điều trị và có giám sát sử dụng thuốc, giám sát KST sau khi họ trở về. Tiếp tục triển khai kế hoạch phun tẩm hóa chất, đảm bảo độ bao phủ và chất lượng phun tẩm có hiệu quả cao, tăng cường giám sát véctơ. Tăng cường giám sát chất lượng chẩn đoán và điều trị sốt rét ở các tuyến, bao gồm cả hệ thống bệnh viện, lưu ý số người có sốt đến khám được lấy lam máu hoặc test chẩn đoán nhanh bệnh sốt rét. Bảo đảm điều trị bệnh nhân nhiễm P.falciparum bằng thuốc phối hợp có artemisinin hoặc dẫn xuất của artemisinin. Tổ chức các lớp tập huấn phòng chống sốt rét cho cán bộ các tuyến theo kế hoạch đã được phê duyệt. Các viện, trung tâm phòng chống sốt rét/y tế dự phòng các tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân phối, bảo quản và sử dụng vật tư, kinh phí phòng chống sốt rét. Xúc tiến việc đấu thầu, mua sắm vật tư phục vụ công tác phòng chống sốt rét đạt hiệu quả cao. Dự án quốc gia Phòng chống sốt rét đảm bảo cung cấp đủ thuốc sốt rét và miễn phí cho người dân. Ngoài ra, việc tăng cường công tác truyền thông đến người dân thông qua các hình thức nói chuyện, phát thanh, thảo luận nhóm, chiếu phim, văn nghệ... cũng là hoạt động cần thiết để đảm bảo công tác phòng chống và loại trừ sốt rét đạt hiệu quả như mong muốn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Thủy (thực hiện)


Ý kiến của bạn