Bảo đảm cử tri cả nước tham gia ứng cử, bầu cử một cách dân chủ, công bằng 

04-03-2021 22:25 | Xã hội

SKĐS - Tại phiên họp lần thứ 3 của Hội đồng bầu cử Quốc gia mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần rất khẩn trương, thận trọng, tạo cơ sở chắc chắn để triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử trên phạm vi cả nước đạt được mục đích, yêu cầu, bảo đảm nhân dân, cử tri cả nước được tham gia ứng cử, bầu cử một cách dân chủ, công bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Chuẩn bị tốt nhất cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp thứ 3 của HĐBCQG sẽ nghe báo cáo kết quả điều chỉnh sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và tình hình các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương chuẩn bị Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐB HĐND); báo cáo tình hình công việc của HĐBCQG và các tiểu ban từ sau cuộc họp HĐBCQG lần thứ 2 đến nay; thảo luận các báo cáo và thông qua Nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi  đơn vị bầu cử trong cả nước.

Toàn cảnh phiên họp.

Báo cáo công việc từ sau phiên họp thứ 2 của HĐBCQG đến nay và các công việc triển khai trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng HĐBCQG Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, theo tiến độ quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, HĐBCQG và các cơ quan hữu quan cần tập trung chỉ đạo thực hiện các công việc sau: chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương giới thiệu người ứng cử và tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử; thành lập Ban bầu cử ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử; thành lập Ban bầu cử ĐB HĐND cấp tỉnh, huyện, xã (chậm nhất là ngày 14/3/2021); thành lập Tổ bầu cử (chậm nhất là ngày 3/4/2021); tiếp nhận hồ sơ ứng cử (chậm nhất là 17 giờ ngày 14/3/2021); dự kiến phân bổ ứng cử viên ĐBQH ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương bảo đảm đúng nguyên tắc và tiêu chí phân bổ; tiến hành Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử (chậm nhất là ngày 19/3/2021); tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử; điều chỉnh lần thứ 2 cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH (chậm nhất là ngày 29/3/2021).

Phân bổ hợp lý số người là nữ, người ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Tiểu ban Nhân sự Trần Văn Túy cho biết, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất đã nhất trí dự kiến của UBTVQH về số lượng, cơ cấu, ĐBQH Khóa XV, đảm bảo tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu tương đối hợp lý.

Về Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất ở địa phương, tính đến ngày 17/02/2021, có 32 tỉnh, thành phố nhất trí với dự kiến phân bổ của UBTVQH về thành phần, số lượng ĐBQH Khóa XV. Tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 1.076 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu, nhưng tỷ lệ không đồng đều giữa các tỉnh...

Tại Phiên họp thứ 53 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các địa phương, UBTVQH đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 1226/NQ-UBTVQH14 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong cơ cấu này, UBTVQH đã nhấn mạnh các địa phương cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, người ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử. Việc lựa chọn nhân sự đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện như quy định của Luật theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố.

 

 


H. Phong
Ý kiến của bạn