Chuyển biến tích cực tại phủ Tây Hồ
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống, dọc đường đi từ khu vực bãi gửi xe đến phủ Tây Hồ có độ dài chỉ khoảng 400m nhưng có hàng chục hàng quán kinh doanh thực phẩm san sát hai bên đường để phục vụ du khách.
Nếu như những năm trước, phủ Tây Hồ tràn ngập hàng rong từ ngoài cổng chính thì năm nay đã được sắp xếp quy củ hơn. Hàng rong bị cấm, các tuyến đường vào phủ được dọn dẹp sạch sẽ, khang trang hơn.
Bà Nguyễn Thị Mai - chủ cơ sở kinh doanh Nhà hàng Nguyệt Nga chia sẻ: "Chúng tôi nhận thức luôn phải chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này không chỉ tạo uy tín cho cơ sở mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về phủ Tây Hồ trong lòng du khách thập phương".
Theo lãnh đạo UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ, để đảm bảo an toàn thực phẩm tại những hàng quán kinh doanh quanh phủ Tây Hồ, Trung tâm Y tế và Phòng Y tế quận đã tham mưu cho UBND quận lập kế hoạch thành lập tổ công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là quanh phủ Tây Hồ.
UBND phường Quảng An cũng đã thành lập tổ công tác, từ đầu năm Âm lịch 2024 đến nay, đã 6 lần vào kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh xung quanh phủ Tây Hồ.
Ngoài ra, UBND phường đã dán số điện thoại đường dây nóng xung quanh phủ Tây Hồ để tiếp nhận phản ánh tình trạng mất an toàn thực phẩm, trộm cắp.
Nhờ sự tuyên truyền sâu rộng cũng như sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, phủ Tây Hồ năm nay đã có sự chuyển biến tích cực.
Thận trọng lựa chọn thực phẩm
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp lễ hội Xuân 2024, Hà Nội đã thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn thành phố; đặc biệt tăng cường kiểm tra đột xuất, bất kỳ. Sau 1,5 tháng ra quân, các đoàn đã kiểm tra được 5.725 cơ sở, qua đó phát hiện 899 cơ sở vi phạm, xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,75 tỷ đồng; nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, dịp Tết năm nay, toàn thành phố đã thành lập 671 đoàn kiểm tra, trong đó, tuyến thành phố có 14 đoàn (gồm 4 đoàn liên ngành và 10 đoàn của các sở, ngành); 78 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và 579 đoàn tuyến xã, phường, thị trấn.
Các đoàn tập trung kiểm tra việc chỉ đạo điều hành, triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm của cấp quận, huyện và xã, phường. Chú trọng kiểm tra những nhóm sản phẩm, thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, làng nghề chế biến thực phẩm.
Thông qua đó, cơ quan chức năng tiếp tục đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm; biểu dương nơi thực hiện tốt; phát hiện kịp thời nơi sai phạm để xử lý theo quy định, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thực hiện đúng các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng cần thận trọng lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nên mua, tích trữ quá nhiều. Việc chế biến, bảo quản thực phẩm cần làm đúng cách, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe.
Xem thêm bài viết được quan tâm: