Bảo đảm an ninh thực phẩm vì sức khỏe người dân, đặc biệt Lễ, Tết Nguyên đán!

21-12-2018 16:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 21/12/2018, đoàn công tác liên ngành Trung ương về Vệ sinh An toàn Thực phẩm do Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, giám sát tình hình an ninh an toàn thực phẩm tại TP.HCM.

Mục tiêu của đoàn giám sát là vì sức khoẻ người dân, đặc biệt nhân dịp Tết Nguyên đán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm trong nước phát triển thông qua các quy định cởi mở hơn về doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm, tăng cường hậu kiểm; đồng thời xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm...

Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với hàng triệu lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm với các nhóm mặt hàng bao gồm: bia rượu, nước giải khát; thịt - cá, trứng - sữa; bánh kẹo mứt; đồ khô và hải sản khô, giò chả, bánh chưng, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

... nhằm đảm bảo người dân có những sản phẩm chất lượng an toàn vào các ngày lễ, Tết.

Đặc biệt, theo PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, TP.HCM là địa bàn trọng điểm nơi tập trung các cơ sở sản xuất, chế biến, trung chuyển thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến; cũng là nơi tiêu thụ nhiều nhất.

“Nhìn chung, TP.HCM đang thực hiện nghiêm túc và ráo riết trong giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm tươi sống và thực phẩm tươi sống đã tuân thủ quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu cũng rõ ràng, dễ truy xuất” PGS. Thanh Phong cho biết.

Tại các cơ sở sản xuất, đoàn cũng đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra như bún tươi, mì khô các loại. Tại Chợ Bến Thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các thành viên của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM vừa tiến hành kiểm tra, vừa tiến hành lấy khoảng 10 mẫu bao gồm chà bông, giò chả, đồ khô, kiệu... để đem về kiểm nghiệm giám sát, xác định các yếu tố như vi sinh, chất bảo quản, nấm…

Vừa kiểm tra vừa tăng cường lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm

Bộ trưởng Bộ Y tế Kim Tiến cũng yêu cầu thực hiện nhanh các xét nghiệm và công bố công khai trên truyền thông là “những sản phẩm, nhãn hiệu này đạt hay không đạt.”

“Việc hướng dẫn cho bà con chuẩn đạt thực phẩm sạch không dễ dàng. Qua kiểm tra tại chợ Bến Thành, các cơ sở tham gia bán buôn bán lẻ cần được tập huấn về ghi nhãn, nguồn gốc - xuất xứ thực phẩm, bảo quản như thế nào. Rất nhiều mặt hàng sát sườn với cuộc sống của người dân như tôm khô, giò chả, chà bông.

Nhiều sản phẩm có ghi nguồn gốc thực phẩm trong bao gói, nhưng cũng có loại sản phẩm như hàng tươi sống rất khó truy xuất. Người bán có thể bảo “lấy của người quen”, hoặc “hàng nhà làm”. Hàng quen hay nhà làm có đảm bảo chất lượng không,” Bộ trưởng Nguyễn Thị  Kim Tiến lo lắng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang kiểm tra thực tế...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã làm việc với Ủy ban Nhân dân TP.HCM về công tác đảo bảo an toàn thực phẩm cho người dân vui Tết.

Bộ trưởng đã tổng kết: “Sáng nay, đoàn đã tiến hành kiểm tra từ nơi sản xuất cho đến nơi tiêu thụ là chợ Bến Thành. Chúng tôi đã lấy mẫu kiểm nghiệm từ chà bông, giò chả, đồ khô (tôm khô, hải sản khô, cá khô…) - món ăn phổ biến của người dân miền Nam, bánh kẹo mứt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chú ý đến mặt hàng rượu và nước giải khát.”

Theo Bộ trưởng nếu không chặt chẽ giám sát đối với các mặt hàng rượu bia, nước giải khát, những ca ngộ độc rượu giả hoàn toàn có thể xảy ra vào những ngày lễ, Tết; thậm chí là tử vong do methanol nếu rượu pha từ cồn công nghiệp.

... việc bán lẻ thực phẩm tại chợ Bến Thành

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Đối với nhà sản xuất, các loại sản phẩm từ thịt tươi sống đến hàng đồ khô, các cơ quan giám sát phải chú ý đến vấn đề dư lượng kháng sinh. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất cho biết nguyên liệu đầu vào như thịt heo được chăn nuôi từ các nông trại đạt chuẩn, rau sạch…; tuy nhiên vẫn có một số vấn đề tồn tại trong việc sử dụng phân bón, thức ăn gia súc và sử dụng kháng sinh.”

Theo đó, điều này không chỉ tác động đến vấn đề xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng thủy hải sản, mà quan trọng hơn, theo Bộ trưởng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng. Bộ Y tế đang triển khai những chương trình liên quan đến vấn đề kháng kháng sinh rất lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã ký những cam kết về vấn đề dư lượng kháng sinh, tồn dư chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019, TP.HCM cũng đã triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ thành phố đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm.

Giò chả là một trong những món yêu thích của người dân trong dịp Lễ, Tết

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Liên ngành về An toàn Thực phẩm TP.HCM cũng đã huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm (giò chả, bánh chưng, bánh tét, bánh, mứt truyền thống…), nhất là trong những ngày Tết, đến người dân.

Đối với người tiêu dùng

-         Không nên chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng

-         Phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết: không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân

-         Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng

-         Không uống rượu khi đang đói, mệt, hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh

-         Trẻ em dưới 18 không được uống rượu, bia


An Quý
Ý kiến của bạn