“Bão cytokine” - cơ thể có thể gục ngã vì hệ miễn dịch của mình

30-04-2020 15:04 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh trong y học được gọi là hội chứng giải phóng cytokine hay “cơn bão cytokine”.

Đây là tình trạng hệ miễn dịch giải phóng ồ ạt, quá mức các chất trung gian gây viêm có nguồn gốc từ các tế bào tham gia đáp ứng miễn dịch (các cytokine). Trước hiện tượng này, các cơ quan trong cơ thể có thể gục ngã vì chính hệ miễn dịch của mình.

Khi một mầm bệnh hoặc  một kháng nguyên xâm nhập cơ thể kích thích hệ miễn dịch, đáp ứng miễn dịch sẽ sản sinh một loạt chất trung gian thúc đẩy hình thành phản ứng viêm giúp ngăn ngừa mầm bệnh tiếp tục xâm nhập và tiêu diệt loại bỏ mầm bệnh. Tuy nhiên, khi kháng nguyên quá mạnh hoặc mầm bệnh quá mới, sự giải phóng các chất trung gian gây viêm này diễn ra mạnh mẽ, vượt quá mức độ chịu đựng của cơ thể, trở thành phản ứng gây hại dẫn đến rối loạn và suy sụp hoạt động chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể. Trong dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy tình trạng nặng của người bệnh liên quan nhiều đến phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể, trong đó có hội chứng giải phóng cytokine.

Trường hợp bệnh nhân 91, bác sĩ chưa thể lý giải tình trạng cơ thể tiết nhiều chất cytokine.

Trường hợp bệnh nhân 91, bác sĩ chưa thể lý giải tình trạng cơ thể tiết nhiều chất cytokine.

Hội chứng giải phóng cytokine là gì?

Cytokine là một nhóm protein đa chức năng. Nhìn chung, cytokine được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch để giao tiếp và vận hành cơ chế đáp ứng miễn dịch. Hệ miễn dịch có rất nhiều tế bào khác nhau cùng hoạt động để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, viêm nhiễm hoặc khối u. Các cytokine được tạo ra bởi nhiều loại tế bào khác nhau, bao gồm tế bào lympho (T và B), bạch cầu đơn nhân (monocyte), bạch cầu ưa acid (eosinophil). Có các loại cytokine như interleukin (các cytokine tạo ra bởi bạch cầu), interferon hay yếu tố tăng trưởng (growth factors).

Hội chứng giải phóng cytokine (cytokine release syndrome - CRS) là một dạng hội chứng đáp ứng viêm hệ thống phát sinh do biến chứng của một số bệnh hoặc nhiễm trùng và cũng là tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng thể đơn dòng cũng như liệu pháp điều trị miễn dịch ung thư. Các trường hợp CRS nghiêm trọng được gọi là “cơn bão cytokine”. CRS xảy ra khi lượng lớn tế bào bạch cầu, bao gồm tế bào B, tế bào T và tế bào sát thủ tự nhiên, đại thực bào, tế bào tua và bạch cầu đơn nhân được kích hoạt và giải phóng các cytokine gây viêm, từ đó kích hoạt thêm nhiều tế bào bạch cầu khác. Điều này có thể xảy ra khi hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh, vì các cytokine báo hiệu các tế bào miễn dịch như tế bào T và đại thực bào di chuyển đến vị trí nhiễm trùng. Ngoài ra, các cytokine cũng kích hoạt các tế bào đó, kích thích chúng tạo ra nhiều cytokine hơn.

Bệnh nhân mắc hội chứng giải phóng cytokine có nhịp tim đập nhanh bất thường, sốt và tụt huyết áp, co giật, nhức đầu... Các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và theo dõi lâm sàng các triệu chứng hội chứng giải phóng cytokine cho thấy nồng độ oxy trong máu thấp, huyết áp mở rộng, tăng cung lượng tim (sớm), cung lượng tim có khả năng giảm (muộn), nồng độ nitơ trong máu cao, tăng D-dimer, tăng transaminase, sự thiếu hụt yếu tố bổ thể I, chảy máu không kiểm soát và sự tăng bất thường của bilirubin.

“Cơn bão cytokine” nghiêm trọng có thể xảy ra ở một số bệnh truyền nhiễm và không nhiễm trùng bao gồm bệnh ghép chống lại vật chủ, hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), nhiễm trùng huyết, Ebola, cúm gia cầm, đậu mùa và hội chứng đáp ứng viêm hệ thống. Hiện tượng đặc biệt này sẽ khiến cơ thể con người tự gục ngã vì chính hệ miễn dịch của mình. Những cytokine này tấn công nhiều bộ phận bao gồm gan, phổi và thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Vì sao bệnh nhân trẻ có thể gặp nguy hiểm?

Hội chứng giải phóng cytokine có thể xảy ra ở bệnh nhân trong mọi lứa tuổi. Một số nhà khoa học tin rằng nó là lời giải thích cho hiện tượng những người trẻ tuổi khỏe mạnh tử vong trong đại dịch cúm năm 1918 và gần đây hơn là trong các dịch SARS, MERS và H1N1.

Bão cytokine cũng là một biến chứng của những bệnh tự miễn khác như Lupus và bệnh Still’s - một dạng viêm khớp. Hội chứng này có thể mang lại những manh mối về nguyên nhân người trẻ tuổi khỏe mạnh nhiễm Coronavirus lại không chịu nổi hội chứng suy hô hấp cấp tính. Trong một “cơn bão cytokine”, phản ứng miễn dịch quá mức tàn phá các mô phổi khỏe mạnh dẫn đến suy hô hấp cấp tính và suy đa tạng. Nếu không được điều trị, “bão cytokine” có thể gây tử vong.

Tuy có thể hiểu được cơ chế điều trị của “bão cytokine” nhưng các bác sĩ vẫn chưa tìm ra biện pháp ứng phó phù hợp đối với bệnh nhân COVID-19 có hội chứng giải phóng cytokine. Một mặt, y học muốn hệ thống miễn dịch chống lại virus, mặt khác lại không muốn hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Mặc dù được nhận định nguy hiểm hơn đối với người cao tuổi nhưng COVID-19 vẫn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của những người trẻ. Tại Việt Nam, bệnh nhân 91 - phi công người Anh ở TP.HCM là một trường hợp điển hình trẻ tuổi, không có bệnh lý nền nhưng tình trạng diễn tiến xấu rất nhanh. Với trường hợp của bệnh nhân số 91 này, bác sĩ chưa thể lý giải được nguyên nhân cơ thể của bệnh nhân tiết ra nhiều chất cytokine. Do vậy, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.


BS. Trung Hưng
Ý kiến của bạn